Nông thôn mới

Duy Sơn nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

MAI NHI - PHI THÀNH 09/04/2024 09:52

Nhờ tập trung phát huy nội lực, đến nay xã Duy Sơn (Duy Xuyên) cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, góp phần thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

1.jpg
Diện mạo nông thôn Duy Sơn ngày càng khang trang. Ảnh: N.T

Kinh tế chuyển biến

Sau khi đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, Duy Sơn tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế.

Ông Lưu Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho hay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn canh tác 445ha lúa. Năm 2023, nhờ thực hiện tốt nhiều biện pháp, nhất là đảm bảo cung ứng nước tưới và áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật thâm canh nên năng suất lúa bình quân của xã đạt 60 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha so với năm 2022.

Trong 3 năm qua, Duy Sơn tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng trên gần 20ha đất lúa tại thôn Chánh Lộc gắn với xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường giao thông nội đồng, kênh mương, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Hiện nay, địa phương tiếp tục cải tạo 10ha đất lúa tại xứ đồng Hóc Dung - Bầu Trập thuộc thôn Trà Kiệu Tây và đội 10 của thôn Kiệu Châu.

Đáng ghi nhận, những năm qua nông dân địa phương đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các công ty giống, bố trí sản xuất mỗi vụ 60ha lúa giống hàng hóa theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Mô hình liên kết này giúp nhà nông tăng 20-30% giá trị kinh tế so với gieo sạ lúa thường.

Giai đoạn 2021 - 2023, xã Duy Sơn tiếp tục huy động 55,5 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM. Trong đó, ngân sách từ Trung ương đến địa phương là 5,15 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 47 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 3,34 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân tự nguyện hiến hơn 10.000m2 đất, tham gia 2.500 ngày công lao động xây dựng hạ tầng nông thôn.

Theo kế hoạch, địa phương phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 71 triệu đồng. Hiện xã đã có 5/8 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; từ nay đến cuối năm 2025, phấn đấu 3 thôn còn lại đạt chuẩn…

Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Duy Sơn là người dân đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng sen chuyên canh gắn với du lịch sinh thái. Hiện toàn xã có 85 hộ tham gia trồng sen, chủ yếu ở khu vực Đồng Lớn - Trà Lý với 45ha. Những năm qua, giá bán sản phẩm tương đối ổn định, mỗi vụ sen nông dân thu về 4,5 tỷ đồng.

Thời gian qua, Duy Sơn cũng nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, gồm: ngũ cốc, thanh gạo lứt hạt và rong biển của HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh.

2(1).jpg
Xã Duy Sơn huy động nguồn lực đổ bê tông đường giao thông nội đồng. Ảnh: N.T

Theo ông Nguyễn Phước Minh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, mấy năm gần đây hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số công ty, xí nghiệp trên địa bàn cắt giảm công nhân. Tuy nhiên, các nghề xây dựng, cơ khí, mộc dân dụng, mây tre đan, thảm chùi chân, giỏ hoa… vẫn tiếp tục sản xuất ổn định.

Tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã trong 3 năm qua đạt 566 tỷ đồng. “Qua khảo sát, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của Duy Sơn đạt 58,06 triệu đồng, tăng 33,67 triệu đồng so với năm 2015. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã còn 1,42%, giảm 2,37% so với cách đây 8 năm” - ông Minh nói.

3.jpg
Duy Sơn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: N.T

Hạ tầng khang trang

Sau quá trình xây dựng NTM, diện mạo Duy Sơn ngày càng khang trang. Hệ thống giao thông được mở rộng, bê tông hóa đạt chuẩn. Đơn cử, tuyến đường liên thôn Kiệu Châu - Phú Nham Tây có chiều dài 2,7km, rộng 5,5m với tổng kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều đáng nói, nhiều hộ dân sống dọc hai bên đường tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Ông Nguyễn Phước Minh cho hay, đến nay Duy Sơn đã đổ bê tông 57,5km đường giao thông nông thôn (chiếm tỷ lệ 96,6%) và 18,2km đường giao thông nội đồng (đạt tỷ lệ 90%).

Năm 2023, địa phương xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa thôn Phú Nham Tây với kinh phí 1,5 tỷ đồng, nâng cấp các khu thể thao thôn, hệ thống chợ, đáp ứng tốt nhu cầu buôn bán...

Trong khi đó, cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn được quan tâm đầu tư nâng cấp khang trang, trang thiết bị dạy và học cơ bản đầy đủ. Nhờ vậy, tất cả trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, riêng trường mẫu giáo đạt mức độ 2.

“Những năm gần đây, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Duy Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Qua đánh giá, có hơn 75% số thôn được công nhận văn hóa 3 năm liên tục trở lên…” - ông Minh chia sẻ.

MAI NHI - PHI THÀNH