Về già, ngồi cạnh nhau
(VHQN) - Già mà đi chung xe với nhau là bình thường. Già mà đi bộ cùng nhau cũng bình thường. Già mà nằm ngủ chung với nhau cũng không phải quá đặc biệt. Nhưng già mà vẫn ngồi cạnh nhau quá 30 phút, đó hẳn là hạnh phúc.
Lặng lẽ hạnh phúc
Người ta có thực sự cảm thấy thoải mái với nhau, thương mến và quý trọng nhau lắm, mới có thể ngồi cạnh nhau một quãng thời gian lâu như vậy.
Trong một lần đi du lịch ở Côn Đảo, khi vào ga Cỏ Ống, tôi âm thầm ngắm một đôi cao niên ngoại quốc. Họ ăn mặc thoải mái và đáng yêu, ngồi sát nhau để chờ bay.
Dễ chừng họ đã ngoài 80 tuổi. Đáng yêu ở chỗ, cụ ông mở một quyển sách để đọc chung cùng cụ bà. Một tay cụ ông chận trang sách, tay còn lại đan ngón tay cụ bà. Hết trang, cụ bà dùng tay còn lại để lật qua trang mới. Hình ảnh ấy thật đẹp, khiến người trẻ như tôi ngưỡng mộ.
Trong cuộc đời nhiều biến động và thử thách, có mấy ai giữ trọn được tình yêu? Giữ được hôn nhân? Nếu vẫn giữ được sự chung thủy với nhau, đến cuối đời, có mấy đôi còn có thể giữ được niềm hăng say “đi cùng trời cuối bể” với nhau? Có mấy đôi có thể ngồi đọc chung một quyển sách giữa chốn đông người theo cách đáng yêu như vậy?
Sáng nay, ở một góc phố, có hai cụ ngồi cà phê với nhau. Họ lặng im, cùng nhìn ra đường. Tôi may mắn được ngồi sau lưng hai cụ, trìu mến, âm thầm ngắm từng chi tiết nhỏ.
Ở Việt Nam, chúng ta không dễ bắt gặp hình ảnh này: hai cụ ngoài 80 tuổi, cuối tuần “kéo” nhau ra quán cà phê. Rõ ràng, họ đang có hạnh phúc lứa đôi theo cách thật đặc biệt.
Nếu bạn có nhiều trải nghiệm, bạn sẽ biết rằng, lớn tuổi mà cùng nhau ra quán cà phê sáng sớm là điều đáng ngưỡng mộ. Nhìn quanh ta, ông bà, bố mẹ chúng ta, có ngồi riêng được với nhau một lúc theo cách ngọt ngào như vậy không?
Rất khó xảy ra chuyện ấy, bởi đơn giản, có quá nhiều yếu tố khiến ông bà cụ không thể ngồi cạnh nhau.
Sáng ra, thể nào mà cụ ông chả muốn làm ly trà, rít điếu thuốc một mình trước hiên nhà, khoan khoái tận hưởng khoảnh khắc “không bị làm phiền” chứ chẳng muốn đi đâu. Thể nào mà cụ bà chẳng dấm dẳng quẳng cho mấy câu cằn nhằn về con chó đi vệ sinh không đúng chỗ trong cơn đau khớp của cụ.
Nếu cụ ông rủ cụ bà đi cà phê, thể nào cụ bà chẳng bảo ở nhà cũng có cà phê đi đâu cho phiền. Cụ bà có chịu đi thì thể nào cụ ông chẳng khó chịu vì ngồi chờ bả mặc cái áo thôi cũng cả tiếng đồng hồ.
Người trẻ thấy rằng, người càng già càng khó tính. Kỳ thực không phải như vậy. Không phải người ta già rồi đâm ra khó tính, mà người ta già thì biết nhiều chuyện, lường trước được mọi thứ, ngẫm ra nhiều điều nên người ta cũng thấy nhiều phiền toái hơn. Và vì thế, người ta dễ bị khó chịu.
Tình già âm ỉ
Một đôi cụ già thì rất khó đi cà phê với nhau. Và khi họ đi cà phê được với nhau là một điều quá ấm áp.
Tôi thấy họ ngồi lặng im bên nhau, nhìn ra đường, không ai nói câu nào cả nửa tiếng đồng hồ. Nhưng không phải họ giận nhau.
Cụ bà toát ra vẻ nhẹ nhõm, xúng xính trong chiếc áo khoác mới và có một chút điệu đàng với chiếc khăn quàng cổ. Cụ ông gác chéo chân ung dung.
Cụ đã gác chân kiểu này gần trăm năm rồi nên trông có vẻ thoải mái lắm. Với cụ ông, ở tuổi này, người phụ nữ của mình chịu ngồi cạnh bên quá nửa tiếng đồng hồ mà vẫn không nói gì đã là món quà lớn. Với cụ bà, ở tuổi này, người đàn ông của mình nhịn bớt vài hơi thuốc, một tiếng chỉ hút một điếu để bớt phà cái khói đáng ghét đã là món quà thơm tho.
Họ chẳng nói với nhau điều gì cả. Bàn tay của người này chẳng nắm bàn tay của người kia, nhưng chừng vẫn ấm. Vai của người này chẳng tựa vai người kia, nhưng chừng vẫn tình. Mắt người nam chẳng nhìn mắt người nữ nhưng chừng vẫn ngọt.
Bởi khi cùng nhau trải qua bao dông bão cuộc đời, cùng nhau vượt qua ngọn đồi này, ngẩng mặt lên thấy ngọn núi kia rồi lại vượt qua mà vẫn còn được cạnh nhau đã là một điều may mắn.
Đến giai đoạn “xế chiều”, hạnh phúc không cần sôi nổi, bất ngờ, hạnh phúc là chỉ cần bình yên bên nhau.
Có quá nhiều lý do để hai người già không thể ngồi cạnh nhau, dù chỉ là một lúc. Chính họ cũng không quen với việc đó. Họ sẽ lười, ngại, thậm chí ngượng ngùng.
Nhưng với những cụ ông biết nhận ra và trân trọng khoảnh khắc được đi cùng nhau, đứng bên nhau, ngồi cạnh nhau quý giá thế nào, thì cụ ấy sẽ chủ động tạo ra tình huống và vun đắp từng chút.
Đôi khi, đơn giản chỉ là tích cực mời cụ bà đi cà phê mỗi cuối tuần; rủ cụ bà cùng uống trà chiều ở hiên nhà do chính tay cụ ông đun nước, pha trà. Hoặc đơn giản hơn nữa, có việc gì cần trao đổi, thay vì gọi điện thoại, nói trong bữa ăn hoặc đứng ở đây nói vọng qua bên kia, thì cụ ông trìu mến mời cụ bà “ngồi xuống đây nói chuyện một lúc”.
Nói chuyện gì không quan trọng, quan trọng là ngồi xuống cạnh nhau. Để mỗi người cảm thấy gần gũi hơn, ấm áp hơn. Tình già, từ đó mà âm ỉ cháy...