Long đong tiến trình thông dòng sông Cổ Cò
Việc thông dòng sông Cổ Cò vẫn chưa có hồi kết khi dự án Nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An đã khép lại trong lúc mọi thứ vẫn dang dở.
Dự án thành phần Nạo vét sông Cổ Cò (HA/W3) thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2023 đã không hoàn thành đúng tiến độ như cam kết và buộc phải kết thúc thời hạn vào ngày 31/12/2023 dù trước đó đã được gia hạn.
Khảo sát thực tế dự án, hiện phần nạo vét tuyến luồng của sông Cổ Cò đoạn qua Hội An đã cơ bản hoàn thành nhưng đoạn qua địa phận Điện Bàn vẫn đang bị gián đoạn và gần như không có chuyển động trong một năm qua.
Ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn nói: “Dự án Nạo vét sông Cổ Cò phải dừng lại là điều hết sức đáng tiếc, nguyên nhân chủ yếu vì vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điện Bàn mong muốn tỉnh cho chủ trương để sớm tiếp tục thúc đẩy dự án này”.
Vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương giao cho các đơn vị tiếp nhận để tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, hạng mục công trình thuộc Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An. Tuy nhiên, tiến trình nạo vét sông Cổ Cò trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin, hiện Điện Bàn đang rà soát khối lượng đã thực hiện và còn tồn đọng của dự án, tương ứng với nguồn lực cần để hoàn thiện.
Qua đó, Điện Bàn sẽ làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) sau đó đề xuất tỉnh xem xét tiếp tục bố trí vốn cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai; trường hợp tỉnh giao lại cho Điện Bàn làm chủ đầu tư thì cần nguồn tài chính hỗ trợ để địa phương thực hiện.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, dự án nạo vét sông Cổ Cò đã dừng và chỉ đạo quyết toán, phần còn lại chắc chắn phải tiếp tục làm để hoàn thiện với một dự án mới để tránh lãng phí, nhất là với các cây cầu đã và đang xây dựng qua sông như cầu Nguyễn Duy Hiệu, cầu Thôn Ba, cầu Nghĩa Tự…
Tới đây nếu xuất hiện nguồn thì tỉnh sẽ bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn thực hiện ngay, còn không phải đợi đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện. Nếu như vậy, Điện Bàn phải sớm đề xuất danh mục này trước tháng 7/2024 và cần ưu tiên triển khai sớm ngay từ năm 2026.
Liên quan đến dự án này, theo ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, dự án nạo vét sông Cổ Cò qua địa phận Điện Bàn chủ yếu nằm trong khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Việc giải phóng mặt bằng, nạo vét sông Cổ Cò bị ách tắc là một câu chuyện nhưng khi nạo vét xong sẽ khai thác, vận hành ra sao hiện nay cũng đang hoàn toàn bỏ ngỏ và cần quan tâm thúc đẩy sớm.
“Sau khi nạo vét xong, ngoài khai thác tuyến luồng, câu chuyện khai thác hai bên dòng sông cũng hết sức quan trọng nhưng hiện nay vẫn đang bỏ ngỏ.
Nguyên nhân gần như tất cả dự án xung quanh dòng sông này đang bị ách tắc và Điện Bàn cũng chưa có kế hoạch đầu tư cụ thể đường ven sông, khu thiết chế ven sông, kế hoạch khai thác sông Cổ Cò…” - ông Hùng nói.