Tăng cường tiêm chủng phòng dịch bệnh
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, trước nguy cơ số ca mắc sởi, ho gà, tay chân miệng... đang tăng nhanh.
Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh (tổ chức ngày 10/4), Bộ Y tế ghi nhận số ca bệnh truyền nhiễm đang gia tăng hơn so với cùng kỳ. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận hơn 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc TCM của cả nước. Miền Trung khoảng 1.000 ca với số ca mắc ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó hơn 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.
Sởi là bệnh có tính lây truyền cao, bệnh chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng đạt trên 95%. Mặt khác, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4 - 5 năm sẽ quay trở lại, năm 2024 được dự báo là chu kỳ dịch bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần sớm triển khai tiêm chủng bù mũi ngay trong quý 1 và 2/2024 cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023, để chủ động đáp ứng phòng chống dịch.
Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm trước, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. Nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng do tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây, là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Đối với bệnh ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Cục Y tế dự phòng nhận định, đây cũng là bệnh có thể tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong thời gian tới, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Tại Quảng Nam, năm 2023, bệnh TCM ghi nhận 1.183 trường hợp mắc, tăng hơn 2 lần so với năm 2022. Bệnh TCM chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Đối với dịch bệnh sởi, UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi ngờ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc. Cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR, trong đó có tiêm vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình TCMR chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.