Thúc đẩy hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây
(QNO) - Tăng cường kết nối, hợp tác 5 tỉnh thuộc 3 nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, gồm Đà Nẵng, Quảng Nam (Việt Nam), Sê Kông và Chămpasak (Lào), Ubon Ratchathani (Thái Lan) là xu thế, khai thác hiệu quả tiềm năng từng địa phương, mở ra cơ hội phát triển cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, hình thành các khu kinh tế; qua đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường kết nối, đón cơ hội
Những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, gồm Ubon Ratchathani (Thái Lan), Sê Kông và Chămpasak (Lào), Đà Nẵng, Quảng Nam (Việt Nam) đã được thiết lập, liên tục có những hoạt động kết nối cũng như xúc tiến thương mại.
Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Nam có quan hệ hợp tác hữu nghị với 4 tỉnh Nam Lào. Trong đó quan hệ kết nghĩa, hợp tác toàn diện với tỉnh Sê Kông từ năm 1984; ký kết hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá và giáo dục với tỉnh Chămpasak từ năm 2007.
Cạnh đó, Quảng Nam đã có ký kết hợp tác về nông nghiệp, thương mại, đầu tư, du lịch, logistics với tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) từ năm 2013.
Như vậy, có thể thấy Quảng Nam đã có quan hệ hợp tác từ lâu với tất cả các địa phương trên trục hành lang kinh tế Đông Tây kết nối Đông Bắc Thái Lan với khu vực Nam Lào và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. Đồng thời đã có sự chủ động chuẩn bị các điều kiện liên quan cho hợp tác kết nối tuyến hành lang này từ hơn 10 năm trước.
Còn theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Lào năm 2023 ước đạt 10,5 triệu USD; xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Thái Lan ước đạt 5,5 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 42 triệu USD.
Cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa, kết nối giao thương giữa Lào, Thái Lan và Đà Nẵng đã được quan tâm tổ chức ngày càng nhiều và chất lượng. Nhiều doanh nghiệp Lào và Thái Lan đã tham gia Hội chợ quốc tế thương mại và du lịch hành lang kinh tế Đông Tây (sự kiện thường niên của TP.Đà Nẵng) được tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch, thương mại và đầu tư với nhiều dự án hấp dẫn và trao đổi sản phẩm giữa các địa phương như đồ gỗ, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực...
Năm 2022, thành phố Đà Nẵng cũng đã ký kết với các tỉnh Nam Lào về hợp tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics, chia sẻ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực…
Từ năm 2016, Đà Nẵng đã đề xuất huy động vốn vay ODA để phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông Tây từ Đà Nẵng đi cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), qua các tỉnh Sê Kông, Chămpasak (Lào) và Ubon Ratchathani (Thái Lan). Đây là tuyến đường nối ra biển qua cảng Đà Nẵng cho các tỉnh Nam Lào và Đông Thái Lan vận chuyển bằng đường biển đi Đông Bắc Á, mở ra cơ hội rất lớn cho các địa phương trên tuyến trong việc rút ngắn quãng đường trung chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng
Là 2 địa phương trung tâm của tuyến hành lang, Chămpasak và Sê Kông (Lào) đã có nhiều chuẩn bị để kết nối với các địa phương trên tuyến. Ông Somboun Hueangvongsa - Phó Tỉnh trưởng Champasak (Lào) nói, tuyến hành lang tuy ngắn nhưng rất tiềm năng và tạo cơ hội cho các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Đáng nói, cả 5 tỉnh trên hành lang đều có tiềm năng về nhà máy công nghiệp, diện tích sản xuất nông nghiệp lớn và tiềm năng du lịch. Nếu kết nối thành một khối thống nhất sẽ thuận lợi phát triển và thu hút đầu tư, thu hút khách quốc tế.
Để trở thành trung tâm kết nối giữa các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, thời gian qua chúng tôi đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nhiều con đường đã được nâng cấp; đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Sê Pôn, sông Mê Kông để phòng chống lũ lụt và tạo không gian xanh. Cạnh đó, cải thiện cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp và 4 khu kinh tế để thu hút, đón nhận các nhà đầu tư trong nước và khu vực Thái Lan, Việt Nam đến đầu tư. Chămpasak sẽ có chính sách ưu đãi riêng dành cho các dự án đầu tư trong khu kinh tế đặc biệt.
Ông Somboun Hueangvongsa - Phó Tỉnh trưởng Champasak (Lào)
Còn ông Lếch-lây Sỉ-vi-lay - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng Sê Kông cho biết, tỉnh Sê Kông đã mở đường trong tuyến hành lang và đang tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội và dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đến đầu tư. Sê Kông định hướng trở thành vùng sản xuất điện năng của Nam Lào; vùng sản xuất nông nghiệp sạch gắn liền với công nghiệp chế biến. Hiện nay Sê Kông đang thu hút các dự án khai thác quặng, than đá, bô-xít, sắt; 3 dự án thủy điện và 1 dự án điện gió 600 MW quy mô lớn nhất châu Á.
Nói về cơ hội khi kết nối trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, bà Songlak Worapai - Phó Tỉnh trưởng Ubon Ratchathani (Thái Lan) cho rằng, tỉnh đang nỗ lực phát triển tuyến thương mại biên giới với các nước. Hiện Ubon Ratchathani đã ký kết hợp tác với Quảng Nam. Còn Đà Nẵng là điểm đến du lịch ưa thích của người dân Ubon Ratchathani. Thúc đẩy việc hợp tác với các địa phương trong tuyến hành lang sẽ phát triển thương mại, thuận lợi vận chuyển hàng hóa ra các tỉnh miền Trung Việt Nam và phát huy giá trị di sản, kết nối các tour du lịch…
Cơ hội cho Quảng Nam
Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là đột phá của tỉnh Quảng Nam thời gian đến là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tiềm năng, vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Nam xác định việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam Lào và tập trung hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và logistics với khu vực Đông Bắc Thái Lan là nhiệm vụ quan trọng.
Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, các lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch và vận tải rất có tiềm năng, mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa các địa phương.
Ở lĩnh vực nông lâm nghiệp, Lào hiện đang trở thành thị trường cung cấp nguyên vật liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam. Riêng khu vực Nam Lào có tiềm năng, lợi thế rất lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu cây ăn trái, trồng rừng gỗ lớn, nghiên cứu và triển khai phát triển các trang trại, khu vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung, hiện đại, cung cấp đầu vào ổn định cho các doanh nghiệp chế biến. Hiện Tập đoàn THACO và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Quảng Nam đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực này.
Đối với lĩnh vực du lịch, 5 tỉnh trên tuyến hành lang đều có những lợi thế riêng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, các di sản văn hoá thế giới, trung tâm mua sắm, các dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm… Việc xúc tiến hợp tác sẽ tạo nên chuỗi kết nối du lịch phong phú, đa dạng, đáp ứng được mọi yêu cầu của du khách.
Đối với giao thông, vận tải, Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Ọoc sẽ phát huy lợi thế. Đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối tỉnh Ubon Rathchathani, vùng Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh Nam Lào với biển Đông qua cảng Đà Nẵng và cảng Chu Lai (Quảng Nam). Việc kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông có thể giúp tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, các tỉnh Nam Lào xuất, nhập khẩu hàng hoá một cách thuận lợi ra các nước trên thế giới với chi phí hợp lý.
Mới đây, chuyến công tác kéo dài 5 ngày của Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết làm trưởng đoàn, sang thăm, làm việc với 2 địa phương Sê Kông và Chămpasak đã tiếp tục mở ra những tín hiệu tích cực cho một chiến lược hợp tác toàn diện.
[VIDEO] - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết sang thăm và làm việc với 2 tỉnh Sê Kông, Chămpasak:
Bí thư - Tỉnh trưởng Sê Kông Lếch-lây Sỉ-vi-lay nhận định, từ cảng nước sâu Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam) đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc có chiều dài quãng đường 260km, thời gian lưu thông là 5 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, từ Sê Kông đi Cửa khẩu quốc tế Văng-tàu, Xoòng-mếc và kết thúc tại cảng nước sâu Lẻm-xạ-băng (Thái Lan) có chiều dài quãng đường 877km, mất đến 16 tiếng đồng hồ.
Như vậy, lưu thông hàng hóa qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây gần và rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí hơn.
Đồng quan điểm, đồng chí Vi-lay-vông Bút-đa-khăm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng Chămpasak cho rằng, Quảng Nam có cảng Chu Lai rất thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Nếu hàng hóa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và cả Bắc Campuchia nếu xuất khẩu qua tuyến hành làng kinh tế Đông Tây thì chỉ cần vận chuyển trong ngày. Còn khi xuất khẩu qua cảng nước sâu Lẻm-xạ-băng (Thái Lan) thì mất nhiều thời gian hơn.
Điểm chung giữa Chămpasak và Quảng Nam là có các di sản văn hóa thế giới nổi tiếng. Đó là đền Watphu, khu di tích Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An. Những năm qua, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) và thị xã Paksé (Chămpasak) đã có mối quan hệ hợp tác trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Kỳ vọng một tour du lịch di sản sẽ hình thành trong tương lai, thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng.
Ông Vi-lay-vông Bút-đa-khăm - Bí thư - Tỉnh trưởng Chămpasak (Lào)
Đã có những doanh nghiệp, nhà đầu tư Quảng Nam triển khai các dự án tại Sê Kông và Chămpasak. Song với tiềm năng rất lớn của 2 tỉnh bạn này, thì số dự án vẫn còn khiêm tốn. Trong các cuộc làm việc giữa lãnh đạo các địa phương đều dành sự quan tâm, tạo thuận lợi về cơ chế để thu hút cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đến đầu tư. Từ đó, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phát triển toàn diện giữa Quảng Nam với hai tỉnh Sê Kông và Chămpasak (Lào).
Cùng tháo gỡ nút thắt hạ tầng
Hiện nay cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc hoạt động ngày càng hiệu quả, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng tăng, nhất là nhu cầu xuất khẩu hàng hoá nông, lâm sản và khoáng sản từ phía tỉnh Sê Kông và các tỉnh Nam Lào qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về các các biển của Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Song, yếu tố kiềm hãm sự phát triển hoạt động vận chuyển hàng hóa qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây này là hạ tầng giao thông. Hiện quốc lộ 14D xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến đường từ cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc đến trung tâm tỉnh Sê Kông có nhiều đoạn hư hỏng nặng.
[VIDEO] - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị cấp cao 5 tỉnh 3 nước về hợp tác phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông Tây về vấn đề hạ tầng kết nối liên vùng:
Quảng Nam đang tập trung kiến nghị với Trung ương để đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ 14D có chiều dài 74km nối từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh. Việc này sẽ giúp khơi thông được dòng chảy đầu tư, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới từ Ubon Ratchathani, Thái Lan đến Nam Lào qua Quảng Nam về các cảng biển như Đà Nẵng, Chu Lai để đi các nước thứ 3 hoặc ngược lại. Đây sẽ là tuyến đường chiến lược quan trọng giúp cho Nam Lào bức phá, phát triển ổn định, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết
Còn Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đang tập trung nâng cấp đường 14B lên 4 làn xe đoạn qua thành phố (7,5km); xây dựng cảng mới Liên Chiểu là cảng biển quốc tế loại I có thể tiếp nhận tàu đến 100.000DWT.
Tháng 5/2023, thành phố đã phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ giữa Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh của Lào, Thái Lan trên hành lang kinh tế Đông - Tây.
Về tháo gỡ những nút thắt hạ tầng giao thông, ông Somboun Hueangvongsa - Phó Tỉnh trưởng Champasak (Lào) cho rằng, các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây cần ưu tiên bố trí ngân sách tỉnh hoặc tranh thủ ngân sách từ chính phủ và quốc tế để đầu tư. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng liên vùng, đảm bảo tính hiệu quả, các bên cùng có lợi.
Cùng với hạ tầng giao thông liên vùng, cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cửa ngõ giao thương.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cũng định hướng đến 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Đối với Quốc môn cửa khẩu Đắc Tà Oọc cũng sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới, với nguồn vốn ODA chính phủ Việt Nam viện trợ cho Lào là 38 tỷ đồng. Khi cặp cửa khẩu này được đầu tư nâng cấp, mở rộng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh, quá cảnh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp nước bạn Lào hoàn thiện quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Đắc Tà Oọc.