Tam Kỳ và Núi Thành xúc tiến thiết lập các khu bảo tồn đa dạng sinh học
UBND TP.Tam Kỳ, UBND huyện Núi Thành đang phối hợp với các cơ quan để xúc tiến thiết lập Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm (Tam Kỳ), Khu bảo tồn biển Tam Hải (Núi Thành).
Cộng đồng giữ gìn sinh thái sông Đầm
Mới đây, UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN - GS-TSKH.Đặng Huy Huỳnh và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tổ chức chuyến khảo sát, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học ở khu vực sông Đầm.
Đoàn công tác đã đánh giá cao hệ sinh thái rất độc đáo, quý hiếm; điều kiện tự nhiên phong phú, thảm thực vật, hệ động vật đa dạng của khu vực sông Đầm (rộng 650ha, trong đó 250ha mặt nước).
Với ý nghĩa to lớn về môi trường, cảnh quan, vẻ đẹp sinh thái nguyên sơ, sông Đầm đang là “lá phổi xanh” của thành phố. Sông Đầm hiện có 295 loài, trong đó có 33 loài cá, 16 loài bò sát ếch, nhái, 31 loài chim, đáng lưu ý là có loài cò nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 211 loài côn trùng, 170 loài thực vật bậc cao...
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương đang khẩn trương chuẩn bị nội dung, phối hợp với Sở TN-MT để hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm.
Mục đích của việc thiết lập khu bảo tồn này là bảo vệ, phục hồi các loài thủy sản, động thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng.
Duy trì các chức năng sinh thái, liên kết giữa các sinh cảnh của thiên nhiên đất ngập nước. Giảm thiểu những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, tăng khả năng chống chịu của các hệ sinh thái, thích ứng với những biến động của biến đổi khí hậu.
Ông Nam nhấn mạnh, Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm một khi đã thành hình sẽ là đòn bẩy để Tam Kỳ đưa sông Đầm thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm có thương hiệu của Quảng Nam.
Khi đó, tiếp tục phục hồi cây xanh bản địa, xây dựng bến thuyền, nhà đón tiếp khách. Đầu tư khu ngắm cảnh và sinh hoạt trải nghiệm sông Đầm; củng cố các tổ hội nghề nghiệp; phát triển các dịch vụ tạo sinh kế ven bờ.
Hình thành các dịch vụ du lịch trải nghiệm độc đáo, đặc sắc theo hướng xanh, sinh thái, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, hướng đến sinh kế bền vững cho các hộ dân sinh sống xung quanh sông Đầm.
“Ngoài các giá trị trên, Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm còn làm nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, sinh học, sinh thái học và bảo tồn” - ông Nam nói.
Sự tham gia của cộng đồng địa phương (xã Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú) trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, thiết lập Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm.
Thời gian qua, người dân địa phương đã triển khai các hoạt động như trồng và phục hồi cây xanh ở sông Đầm; thả cá, tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tham gia phục hồi phát triển hệ sinh thái bản địa...
Bảo tồn biển Tam Hải
Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập Khu bảo tồn biển xã Tam Hải, Núi Thành” đang được Sở KH&CN phối hợp với Viện Hải dương học tổ chức thực hiện.
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, đề tài sắp được nghiệm thu, bàn giao để có nền tảng khoa học thực hiện sản phẩm cụ thể là thiết lập Khu bảo tồn biển xã Tam Hải.
Đến nay, đã xác định được vùng biển Tam Hải hiện có gần 78,4ha thảm cỏ biển, 196,7ha san hô, 110ha rừng ngập mặn, 174 loài cá rạn san hô, 44 loài thuộc nhóm động vật không xương sống kích thước lớn và 66 loài rong biển, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn kinh tế chính của cư dân xã đảo Tam Hải.
Theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cùng với mặt trái phát triển kinh tế - xã hội và sự tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, đa dạng các hệ sinh thái biển Tam Hải.
Vì vậy thiết lập Khu bảo tồn biển Tam Hải sẽ là công cụ quản lý tài nguyên, đa dạng sinh học, sinh thái biển hữu hiệu, bảo toàn tính bền vững của vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên.
Ông An cho rằng, bài học quan trọng trong bảo tồn biển là phải gắn chặt với quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi.
Người dân ý thức quyền lợi, trách nhiệm, cùng chung tay bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và vận dụng tạo sinh kế ổn định cuộc sống.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, quản lý, các cơ quan của tỉnh để có thể nhanh chóng xúc tiến thành lập Khu bảo tồn biển Tam Hải vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học đi đôi với sinh kế của cộng đồng” - ông An nói.