Giảm nghèo - An sinh

Đồng bộ giải pháp, Quảng Nam tập trung giảm nghèo đa chiều

HÀN GIANG 12/04/2024 14:00

Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của Quảng Nam lên đến hơn 5.700 tỷ đồng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm nhanh.

anh-giam-ngheo-1.jpg
Cán bộ huyện Nam Trà My hướng dẫn người dân xã Trà Vinh nuôi cá nước ngọt phát triển kinh tế. Ảnh: P.V

Tỉnh ủy (khóa XXII) vừa đánh giá kết quả qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 06 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại Hội nghị lần thứ 15.

Trên cơ sở đó, thống nhất ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 4,16% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; trong đó khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 21%...

Nhiệm vụ hàng đầu

Triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chỉ tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025.

Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị -xã hội các cấp luôn thống nhất trong quan điểm chỉ đạo.

Đó là ưu tiên mọi nguồn lực để hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, tự giác đăng ký thoát nghèo bền vững; nhóm hộ nghèo không có khả năng lao động, có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người có công cách mạng. Theo rà soát, đã có 17 chính sách được HĐND tỉnh, UBND tỉnh thông qua liên quan đến chương trình giảm nghèo.

Theo Sở LĐ-TB&XH, tổng nguồn lực ngân sách nhà nước huy động, bố trí thực hiện công tác giảm nghèo bền vững từ năm 2021 - 2023 lên đến hơn 5.700,1 tỷ đồng.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1.239 tỷ đồng; các chính sách giảm nghèo chung của quốc gia 3.533 tỷ đồng; các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh ban hành gần 927,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách tỉnh cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm là 235 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thị, thành phố bố trí hơn 165,8 tỷ đồng.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

Trong đó, ưu tiên ngân sách tỉnh đối ứng với tỷ lệ lớn (bằng 12%) trong tổng mức vốn ngân sách địa phương phải đối ứng (tối thiểu bằng 15%) so với vốn ngân sách trung ương bố trí.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư các dự án, công trình phát huy hiệu quả nhanh như giao thông, thủy lợi, quy hoạch sắp xếp dân cư… gắn với phát triển sản xuất, tiếp cận thuận lợi dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục.

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm nhanh, đều và tương đối bền vững qua các năm.

Cụ thể, giảm từ 7,59% vào cuối năm 2021 xuống còn 5,57% vào cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm 1,01% (tương ứng giảm 4.229 hộ nghèo/năm), vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (0,3 - 0,4%/năm) và mục tiêu Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đề ra.

“Hộ thoát nghèo được động viên, khen thưởng và tiếp tục thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh về y tế, giáo dục, hỗ trợ vay vốn...

Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có cách làm hay và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; diện mạo nông thôn có sự chuyển biến đáng kể, nhất là miền núi, vùng dân tộc thiểu số” - bà Lộc nói.

anh-giam-ngheo-2.jpg
Mô hình nuôi heo đen của người dân Nam Giang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.V

Đồng bộ giải pháp

Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Tỉnh ủy, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam vẫn còn cao hơn so với bình quân chung của cả nước (năm 2023 cả nước còn 2,93%). Ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới, nhất là các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn cao (22,05%) và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (19.406/24.669 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện nghèo còn 36,36% (17.300 hộ nghèo), tỷ lệ nghèo trong đồng bảo dân tộc thiểu số còn khá cao 43,62%; số lượng xã nghèo, huyện nghèo của tỉnh còn nhiều…

Từ thực tiễn địa phương, ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang chỉ ra các nguyên nhân và cho rằng, dù được đầu tư nhiều chương trình mục tiêu nhưng lại dàn trải, khiến nguồn lực phân tán, trong khi đó nhu cầu lớn.

Các huyện miền núi có tiềm năng về đất rừng cần mạnh dạn kêu gọi các tổ chức kinh tế, tổ hợp tác tăng cường đầu tư, phát triển kinh tế. Tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn người dân có diện tích rừng lớn được hưởng lợi từ việc nhận khoán, bảo vệ rừng, tăng thu nhập.

“Cùng với đó là giải quyết về vấn đề nhà ở cho người dân và có chính sách hỗ trợ vĩnh viễn đối tượng không còn khả năng lao động, không thể thoát nghèo” - ông Mia đề xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, công tác giảm nghèo thời gian tới phải tập trung theo hướng đa chiều, nghĩa là về nhận thức phải đầy đủ, không chỉ vấn đề thu nhập mà còn 6 yếu tố dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Các cấp ủy phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt đổi mới nội dung tuyên truyền, bởi Nhà nước có đầu tư gì đi nữa nhưng người dân không mong muốn thoát nghèo thì sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu này.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; chú trọng việc cung cấp, hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; nhất là việc hỗ trợ phát triển sản xuất, việc làm, đa dạng sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững hơn.

Các địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo tiến độ đề ra; tăng cường lồng ghép, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu.

Lưu ý triển khai các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 111/2024 của Quốc hội về tăng cường phân cấp ủy quyền, phân quyền cho các địa phương chủ động hơn về quyết định những nội dung trong chương trình giảm nghèo.

“Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng những đề án, cơ chế, chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững phù hợp với từng khu vực, nhóm đối tượng; kể cả đối tượng không có khả năng lao động cần có chính sách gì để hỗ trợ.

Tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác giảm nghèo nhằm cụ thể hóa một cách tốt nhất các chương trình, chính sách giảm nghèo hiện nay” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.


HÀN GIANG