Dừng chân, dưới mái nhà Cơ Tu
(VHQN) - Du khách đã ở lại nhiều ngày hơn phía đại ngàn. Nơi triền núi phía tây, người Cơ Tu đã biết cách mang hạnh phúc trao cho người tìm đến làng mình...
Tự làm mới mình
Chuẩn bị rời Acu homestay & Tours (thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, Đông Giang) tiếp tục hành trình trải nghiệm, anh Farid Hamka (du khách Indonesia) gửi lại chủ nhà một tờ giấy kèm theo dòng chữ: “Cảm ơn Thìn đã cho chúng tôi trải nghiệm homestay của bạn. Mọi thứ ở đây rất ấn tượng và tuyệt vời”.
Mới đây nhất, một nhóm du khách của Australia cũng ghi những dòng chia sẻ, bày tỏ thích thú về trải nghiệm với đồng bào Cơ Tu, đặc biệt là không gian làng truyền thống, hòa cùng vũ điệu tâng tung - da dá…
Đinh Thị Thìn - chủ nhân của Acu homestay & Tours, bằng sự kết nối của mình, đã tìm cách để du khách đến với làng trải nghiệm văn hóa, sinh hoạt của một người Cơ Tu. Họ bắn nỏ, leo núi, múa tâng tung - dá dá, cho đến thưởng thức ẩm thực truyền thống, đều với tâm thế là khách quý của làng.
Khi một khách Tây chọn tour trải nghiệm văn hóa cộng đồng, họ thường hay để tâm đến câu chuyện và hoạt động khám phá thực tế. “Du khách có rất nhiều lựa chọn để trải nghiệm.
Vì thế, trong câu chuyện của mình, chúng tôi luôn tìm cách làm mới mẻ thêm những sản phẩm trước đó. Bởi lợi thế của chúng tôi, ngoài kho tàng văn hóa Cơ Tu độc đáo và riêng biệt, còn có thêm sự ưu đãi của thiên nhiên gắn với từng câu chuyện thú vị” - chị Thìn chia sẻ.
Lần theo câu chuyện của Thìn, mới thấy không đơn giản để níu chân du khách đến với các điểm dừng chân cộng đồng miền núi. Phải tự làm mới mình, đó không chỉ là “khẩu hiệu”. Điều này ẩn chứa bao sự thú vị, như lời mời, thậm chí là chào đón những người bạn trở về.
Gắn câu chuyện văn hóa
Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn nói, thành công nhất của địa phương trong hành trình phục hồi du lịch chính là gắn câu chuyện văn hóa Cơ Tu trong các sản phẩm du lịch.
Điều này tưởng chừng khá đơn giản nhưng phải mất một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm mới có thể đưa vào “thực đơn” du lịch miền núi. Điển hình như làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, trước đây được các nhà đầu tư đưa vào khai thác, nhưng sau một thời gian ngắn phải dở dang vì không hiệu quả.
“Vậy là phải tự làm mới mình. Chúng tôi khuyến khích sự vào cuộc của cộng đồng. Mỗi hộ dân cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đón khách bằng không gian cộng đồng Cơ Tu vốn có, từ nhà sàn, ẩm thực cho đến hoạt động trải nghiệm đời sống thường ngày như đan lát, dệt thổ cẩm, tắm thác nước, leo núi…
Chúng tôi tiếp tục khai thác sản phẩm mới hơn là kết nối các điểm tham quan, khám phá không gian làng truyền thống, cùng các nghệ nhân tìm hiểu nghệ thuật văn hóa” - ông Trung nói.
Hành trình những người trẻ kết nối, đầu tư phát triển du lịch bằng giá trị văn hóa cộng đồng đang mở ra rất nhiều hy vọng. Tư duy nhạy bén, cộng thêm ý tưởng mới mẻ, khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt, những mô hình họ đang vận hành góp phần thu hút du khách tìm đến bản làng miền núi.
Từ homestay của Đinh Thị Thìn, Clâu Lanh, Pơloong Plênh hay điểm du lịch trải nghiệm sinh thái của Ríah Dung - chàng trai Cơ Tu ở xã biên giới Ga Ry (Tây Giang) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện đón chân du khách. Tất cả trở thành những mảng màu tươi mới trong bức tranh du lịch miền núi.
Dưới mái nhà sàn là điểm hẹn. Giấc mơ Cơ Tu và cũng là giấc mơ du lịch miền núi, đang hiện rõ từng ngày...