Hy vọng mới cho bệnh nhân lao kháng thuốc
(QNO) - Một phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc đang triển khai hiệu quả tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở ra "kỷ nguyên mới" trong việc giải quyết một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.
Phác đồ điều trị BPAL
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm phần lớn trong số 10,6 triệu ca mắc bệnh lao mới vào năm 2022 và chiếm hơn một nửa trong số 1,3 triệu ca tử vong trên thế giới.
Dù bệnh lao có thể được điều trị thành công bằng kháng sinh nhưng hơn 3% bệnh nhân lao mới lại kháng với các loại thuốc được kê đơn thông thường.
Trước đây, việc điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc thường kéo dài 18 tráng trở lên nhưng bệnh nhân có thể chịu nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, giảm thị lực nghiêm trọng, nhiều bệnh nhân bỏ dở điều trị dù tỷ lệ thành công chữa khỏi bệnh có thể đạt 63%.
Theo Channelnewsasia, một phác đồ dùng thuốc mới ít tác dụng phụ hơn đang được triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Philippines, Việt Nam và Indonesia - nơi các thử nghiệm cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh hơn 90% chỉ sau 6 tháng điều trị.
Theo Liên minh Toàn cầu phát triển thuốc chữa trị bệnh lao (TB Alliance), phương pháp điều trị mới nói trên gọi là BPAL: kết hợp các loại kháng sinh bedaquiline, pretomanid và linezolid, được chấp thuận tại hơn 60 quốc gia kể từ năm 2019.
Năm 2022, WHO cập nhật hướng dẫn cho phép sử dụng phát đồ BPAL có hoặc không có loại kháng sinh thứ tư gọi là moxifloxacin.
Thách thức trong điều trị bệnh lao
Theo WHO, lao là dạng bệnh do vi khuẩn gây ra bằng cách lây truyền từ người sang người. Loại vi khuẩn này mang tên Mycobacterium tuberculosis, chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, một số ít trường hợp bị ảnh hưởng đến thận, não, cột sống.
Mặc dù bệnh lao xuất hiện ở mọi quốc gia nhưng tập trung chủ yếu ở những khu vực có thu nhập thấp, điều kiện sống và làm việc khó khăn. Do đó, một trong những thách thức lớn nhất của việc điều trị bệnh lao kháng thuốc là khuyến nghị bệnh nhân uống đủ liệu trình thuốc chống lao.
Ngay cả ở những quốc gia được điều trị miễn phí, bệnh nhân phải đối mặt với chi phí đi lại đến bệnh viện cao và mất thu nhập, thậm chí mất việc do bệnh tật và tác dụng phụ của thuốc, khiến nhiều người phải ngừng dùng thuốc điều trị lao.
Những khó khăn trên có thể ảnh hưởng đến sự tuân thủ của bệnh nhân, dẫn đến điều trị bệnh lao không hiệu quả, làm gia tăng tình trạng lao kháng thuốc.
Bên cạnh đó, kỳ thị, phân biệt đối xử là một trong những hạn chế ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như mục tiêu thanh toán bệnh lao trên toàn cầu.
Bác sĩ Irene Flores - người đứng đầu cuộc thử nghiệm phác đồ điều trị BPAL tại Bệnh viện Đa khoa Jose B Lingad Memorial ở Philippines cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng bệnh lao là một căn bệnh có thể chữa được. BPaL là phác đồ hiệu quả nhất trong điều trị bệnh lao kháng thuốc đến nay".