Thế giới

Đông Nam Á vào mùa hội

NAM VIỆT 13/04/2024 08:32

Giữa tháng 4 hằng năm là tết truyền thống tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar...

travel-inquiry.jpg
Các cô gái Lào trong trang phục truyền thống đón năm mới. Ảnh: Travel Inquiry

Tại Thái Lan, từ ngày 13 - 15/4, đông đảo người dân từ khắp mọi miền đổ xô xuống đường tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc chào năm mới.

Trong đó, lễ hội té nước Songkran - mang ý nghĩa đánh dấu sự khởi đầu. Tại xứ sở chùa vàng, mọi người té nước vào nhau và cả vào người lớn tuổi để tỏ lòng tôn kính cũng như cầu chúc cho nhau những điều tốt lành.

Năm ngoái, UNESCO công nhận lễ hội Songkran là Di sản văn hóa phi vật thể, cũng là một trong 10 sự kiện lớn toàn cầu.

Theo UNESCO, té nước là một hành động quan trọng trong dịp Songkran, tượng trưng cho ý nghĩa thanh tẩy, tôn kính và may mắn. Các hoạt động của lễ hội cũng bao gồm tắm tượng Phật, té nước vào bạn bè và người thân, diễn kịch, trò chơi dân gian, tiệc tùng và âm nhạc.

Vì thế, Songkran chứa đựng truyền thống văn hóa độc đáo của người Thái, cũng là thời điểm tuyệt vời để du khách ghé thăm. Dù ngày lễ chính thức diễn ra từ ngày 12 - 16/4, song lễ hội Songkran có thể kéo dài hơn 2 tuần, từ ngày 4 - 20/4 tại một số địa phương.

Thái Lan kỳ vọng lễ hội Songkran năm nay sẽ giúp nước này thu về 24,4 tỷ baht (700 triệu USD) và thu hút hơn 500 nghìn lượt khách quốc tế cũng như gần 4,3 triệu chuyến du lịch nội địa, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, đây là thời điểm người dân Campuchia đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmay - đánh dấu kết thúc của vụ thu hoạch trước khi bắt đầu mùa mưa. Lúc này, thảm thực vật tươi tốt trở lại, thiên nhiên tái sinh, chào đón năm mới sang.

Tết Chol Chnam Thmay cũng là thời điểm các gia đình quây quần bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên. Đây cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam, diễn ra từ ngày 14 - 16/4. Người Khmer tin rằng năm mới sẽ mang đến cho họ khởi đầu đầy may mắn...

Ở thủ đô Phnôm Pênh của đất nước chùa tháp, chùa chiền là nơi tổ chức nhiều hoạt động nhất trong dịp đón tết cổ truyền. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến khu vực chùa Wat Phnom được trang hoàng rực rỡ với biểu ngữ, cờ hoa, đèn màu…

Các đại lộ, công viên trong thành phố cũng rợp sắc màu, náo nhiệt với các cuộc diễu hành, các điệu múa truyền thống và âm nhạc. Đặc biệt, các sân bay quốc tế của Campuchia sẽ chào đón du khách bằng điệu nhảy truyền thống của người Khmer trong dịp năm mới 2024, gây ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Tại Lào, lễ hội Bunpimay không chỉ độc đáo mà còn mang đậm bản sắc văn hóa. Dịp này, người dân Lào tiến hành các nghi lễ truyền thống như tắm tượng Phật và buộc chỉ cầu cho nhau bình an, hạnh phúc, thịnh vượng.

Du khách đến đất nước triệu voi đợt này sẽ có cơ hội thưởng thức cũng như hòa mình vào các sự kiện âm nhạc, điệu múa truyền thống lăm vông của người Lào. Ngoài ra, hoa chăm pa và hoa muồng vàng (dokkhun) đậm tết Lào được trang trí tràn ngập khắp nơi từ nhà cửa ra phố phường.

Cũng như tại nhiều quốc gia, người dân Lào rất chú trọng văn hóa ẩm thực ngày tết, nhất là món lạp làm từ thịt heo, gà hoặc bò, thính gạo nếp. Theo ngôn ngữ của Lào, lạp có nghĩa là lộc. Năm nay, Lào đặt mục tiêu đón ít nhất 2,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tạo doanh thu khoảng 401 triệu USD...

NAM VIỆT