Hành hương... về xứ Quảng
(VHQN) - Ở đâu có tính thiêng, ở đó thu hút con người tìm về chiêm ngưỡng, vọng quá khứ, cúi đầu để lòng “ôn cố tri tân”. Đó cũng là giá trị mà du lịch tâm linh mang lại - một giá trị tinh thần sâu thẳm...
Du lịch tâm linh ngày một phát triển và định vị vai trò, đóng góp chung cho sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói”. Tại Quảng Nam, tiềm năng của loại hình du lịch này khá lớn.
Tiềm năng
Ở Quảng Nam, nếu điểm danh sẽ thấy có rất nhiều kiến trúc cổ, có thể mở ra cơ hội phát triển du lịch tâm linh qua việc tham quan các ngôi chùa nổi tiếng. Từ chùa Cầu, chùa Viên Giác, chùa Long Tuyền, chùa Chúc Thánh, chùa Ông (thờ Quan Công), chùa Phước Lâm ở Hội An đến Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) hay Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên)…
Chỉ riêng Hội An - phố cổ vốn thu hút khách Tây lẫn ta này - cũng đã có rất nhiều địa chỉ tâm linh có thể ghé thăm. Ngoài chùa Cầu quen thuộc, chùa Ông với lịch sử tồn tại hơn 400 năm với lối kiến trúc Hoa độc đáo là điểm thu hút du khách. Bước chân vào đây, một không gian tĩnh lặng, hoài niệm mở ra. Trong chùa có khuôn viên rộng, thoáng mát, ấn tượng nhất là bức tranh tường bằng đá tinh tế.
Trong khi đó, chùa Phước Lâm (phường Cẩm Hà) do Thiền sư Ân Triêm khai sơn vào giữa thế kỷ 18, được Tổ Minh Lượng (một trong hai vị tổ đến Hội An đầu tiên) khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 để thờ Phật, cũng là điểm đến khó bỏ qua trên hành trình du lịch tâm linh.
Phước Lâm tự xây theo phong cách Á Đông cổ, kiến trúc hình chữ “Môn” gồm tam quan, sân, chính điện, nhà đại đường, nhà thờ tổ. Chánh điện xây 3 gian, 2 chái, hai bên là 2 lầu chuông hình tháp. Trong nhà đại đường còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ bình bát của Tổ Minh Lượng, những bản kinh Phật khắc gỗ.
Các nhà nghiên cứu nhận định, chùa Phước Lâm là một di tích tôn giáo góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc Phật giáo và quá trình truyền bá ảnh hưởng của đạo Phật ở Hội An.
Một điểm đến khác là chùa Chúc Thánh tọa lạc tại phường Cẩm Phô (TP.Hội An) do Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ 17.
Chùa Chúc Thánh là ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hội An, đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Dù đã được trùng tu nhiều lần nhưng nơi này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, đặc biệt là di tích do vị tổ khai sáng Thiền phái Chúc Thánh nên có vị trí đặc biệt quan trọng trong lòng phật tử, người yêu mến, muốn tìm hiểu về Phật giáo.
Năm 2019, Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Champa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Đây cũng là một địa chỉ xứng đáng nằm trong các tour hành hương, du lịch tâm linh xứ Quảng.
Vì sao nên phát triển du lịch tâm linh?
Tiềm năng phát triển du lịch tâm linh của Việt Nam ngoài cảnh sắc còn bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.
Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới - ông Zoltan Somogyu, từng nói, trong xu hướng phát triển của du lịch thế giới, du lịch tâm linh tiếp tục được nhấn mạnh. Lượng khách đi du lịch tâm linh không ngừng tăng cao, trong đó Việt Nam nổi lên là một đất nước có nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh.
Một bức tranh phát triển khả thi cho du lịch tâm linh xứ Quảng khi đang sở hữu nhiều tài nguyên.
Sư cô Huệ Liên (ủy viên Ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo tỉnh Tiền Giang), khi tham gia hoạt động từ thiện ở Quảng Nam, đã dẫn đoàn đến tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. Bà bày tỏ rằng, tính thiêng của nơi này chính là điều mê hoặc khách phương xa như bà.
Ở đâu có tính thiêng, ở đó có thể thu hút con người tìm về. Họ đến, để chiêm ngưỡng, vọng quá khứ và cúi đầu cho lòng lắng lại, “ôn cố tri tân”, tập buông bỏ, sống thiện lành hơn.
Đó cũng chính là giá trị khác bên cạnh giá trị vật chất mà du lịch tâm linh mang lại - một giá trị tinh thần sâu thẳm để người đến như một lẽ tự nhiên, như vừa được mách bảo bởi tiền nhân từ trăm năm, từ ngàn năm…