Nỗ lực định vị điểm đến xanh
(VHQN) - Giả sử đặt đài quan sát tại Tam Kỳ để nhìn ra các hướng của Quảng Nam, dễ dàng nhận thấy hệ sinh thái, tài nguyên du lịch xanh rất phong phú. Nhưng để định vị điểm đến du lịch xanh sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bên liên quan...
Tất yếu chuyển hướng khai thác
Quảng Nam là một số ít địa phương tại Việt Nam sớm định hướng chuyển dịch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Sau đại dịch COVID-19, du lịch xanh, du lịch trách nhiệm, du lịch bền vững đã trở thành xu hướng của du lịch thế giới.
Tuy nhiên, để định vị điểm đến du lịch xanh cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bên liên quan. Trong đó, doanh nghiệp là đối tượng quan trọng nhất kiến tạo nên sản phẩm du lịch xanh.
Việc tăng giá trị du lịch xanh thể hiện qua từng sản phẩm du lịch, cũng như tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và bán với giá thành tốt trên thị trường.
Ở vị trí một doanh nghiệp, tôi nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đã tiên phong, sáng tạo xây dựng sản phẩm du lịch xanh bền vững. Đặc biêt, nhóm doanh nghiệp được trao chứng chỉ công nhận chứng nhận Xanh do UBND tỉnh Quảng Nam cấp là minh chứng cho nỗ lực này.
Hiện tại, sau nhiều năm triển khai và đúc kết kinh nghiệm, Quảng Nam đã hình thành được hàng loạt sản phẩm du lịch xanh khá ấn tượng và khác biệt với giá bán cao, qua đó tạo động lực chuyển dịch mạnh mẽ sản phẩm theo hướng xanh, bền vững.
Tuy nhiên, để các mô hình này được nhân rộng, tạo nên một cộng đồng du lịch xanh, góp phần định vị điểm đến xanh toàn diện cần phải có nhiều nguồn lực. Trong đó, vai trò doanh nghiệp du lịch rất quan trọng, gần như quyết định giá trị cốt lỗi và tạo nên giá trị xanh, trải nghiệm xanh cho du khách, đóng góp giá trị kinh tế xanh cho nền kinh tế địa phương.
Kiên định từ chiến lược
Đầu tiên, doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi mô hình hoạt động (bao gồm nhận thức đến hành động, từ lãnh đạo đến nhân viên). Nếu không có nhận thức, thông tin về du lịch xanh thì chắc chắn việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh và thực hành sẽ không hiệu quả.
Mô hình du lịch xanh yêu cầu rất cao về sự sáng tạo, đầu tư nghiêm túc trong sản phẩm du lịch cũng như đào tạo cán bộ công nhân viên lao động… Nếu doanh nghiệp không triển khai đồng bộ sẽ khó đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Tùy vào tình hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể chuyển đồi dần dần, chuyển đổi hoàn toàn hoặc xây dựng mới từ đầu về sản phẩm du lịch xanh, tiếp cận thị trường du lịch xanh.
Quảng Nam cũng đã có một bước đi chuyên nghiệp, đó là quy chuẩn sản phẩm du lịch xanh bằng việc công bố Bộ tiêu chí đánh giá du lịch Xanh trên 6 nhóm đối tượng hoạt động du lịch.
Quảng Nam cũng đã được Cục Du lịch Việt Nam chọn làm điểm đến du lịch xanh từ năm 2022. Đáng chú ý, Quảng Nam đang sở hữu một nhóm doanh nghiệp tiên phong làm du lịch xanh.
Họ có kỹ năng phát triển sáng tạo các giá trị văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, biến chúng trở thành những sản phẩm hữu hình có giá trị cao, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm du lịch xanh đúng nghĩa. Đây là tiền đề tốt để Quảng Nam tự tin nhân rộng, khuyến khích nhiều doanh nghiệp khác tham khảo, hưởng ứng tham gia.
Xây dựng sản phẩm du lịch xanh không yêu cầu chi phí đầu tư to lớn nhưng buộc doanh nghiệp phải khéo léo, sáng tạo, nhằm khai thác các nguyên liệu trong đời sống hàng ngày hoặc trong cộng đồng cư dân địa phương, hình thành nên sản phẩm du lịch xanh có giá trị cao và trải nghiệm mới.
Ví dụ, những củ khoai sắn được chào bán ven đường sẽ hoàn toàn khác với củ khoai sắn bán tại các bữa điểm tâm trong khách sạn 5 sao.
Các món ăn phải được kể thành những câu chuyện trong ẩm thực, thậm chí, mang ký ức tuổi thơ của một ngôi làng để kể ngay bữa ăn của du khách. Những cơ sở lưu trú không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn, ở, nghỉ dưỡng, mà còn phải xây dựng các chủ đề văn hóa, xã hội, từ thiện, nhân văn trong những ngày du khách lưu trú.
Trợ lực từ chính quyền
Vai trò chính quyền địa phương khá quan trọng trong việc tạo điều kiện, môi trường, chính sách phát triển du lịch xanh. Từ công tác định hướng cho doanh nghiệp, chia sẻ các dữ liệu, dự báo du lịch xanh để doanh nghiệp tham khảo cho đến thúc đẩy, kiến tạo thị trường du lịch xanh bằng cách tổ chức hội chợ, hội nghị, triển lãm tại địa phương.
Doanh nghiệp rất cần một thị trường du lịch xanh, nơi người bán và người mua gặp nhau để trao đổi, hợp tác và ký kết hợp đồng. Đảm bảo sản phẩm được tiếp cận thị trường nhanh, bán giá thành tốt, tạo giá trị để có thể tái đầu tư hoặc mở rộng cơ sở.
Chính quyền cũng phải đảm bảo các chính sách, pháp lý bảo vệ tài nguyên du lịch, tránh xung đột lợi ích từ các yếu tố khác, gây xáo trộn điểm đến du lịch xanh, tác động xấu đến môi trường đầu tư. Làng bích họa Tam Thanh là một điển hình về tác động nghiêm trọng bất động sản tăng giá khi điểm du lịch mới được hình thành và nổi tiếng, bởi chỉ trong thời gian ngắn đã bị phá vỡ bởi các yếu tố khác.
Quảng Nam có muốn định vị điểm đến xanh cần kiên định và quyết liệt hơn bằng kế hoạch hành động với đường lối chiến lược phát triển du lịch của mình, xây dựng chính sách cho từng đối tượng liên quan.