Quảng Nam chỉ đạo giải quyết tồn đọng, vướng mắc về đất đai
(QNO) - Sở TN-MT vừa báo cáo UBND tỉnh các nhóm các vấn đề hiện tồn đọng, vướng mắc, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm trong lĩnh vực đất đai ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và UBND tỉnh đã chỉ đạo dứt điểm.
Nhiều nhóm vấn đề vướng mắc
Thực hiện yêu cầu rà soát, tổng hợp, tham mưu giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài trong lĩnh vực đất đai ảnh hưởng đến nhân dân của UBND tỉnh; qua tiếp thu ý kiến phản ánh về các vướng mắc của các địa phương, Sở TN-MT đã phân nhóm các vấn đề hiện tồn đọng, vướng mắc, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm trong lĩnh vực đất đai ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể là các nhóm vấn đề về về công nhận diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân thuộc diện di dân vùng sạt lở; về giao đất ở tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên thực tế nhưng hồ sơ là đất 5%.
Ngoài ra, còn một số vấn đề về cấp Giấy chứng nhận hộ gia đình, cá nhân được giao đất trước 15/10/1993 có ghi nội dung hạn chế; về hồ sơ 299 lưu giữ tại địa phương không đảm bảo cơ sở pháp lý; về thực hiện chỉnh lý Giấy chứng nhận cho người dân hiến đất; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và các nội dung khác có liên quan.
Chủ động giải quyết vấn đề tồn đọng
Trên cơ sở đề nghị của Sở TN-MT, ngày 12/4, UBND đã ban hành công văn yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chức năng liên quan tập trung rà soát các vụ việc, hồ sơ có vướng mắc, còn tồn đọng kéo dài, đến nay chưa giải quyết trong lĩnh vực đất đai chủ động giải quyết hoặc phối hợp giải quyết đối với những vấn đề mà quy định của pháp luật đã rõ và thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện.
UBND tỉnh chỉ đạo, đối với những vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, hồ sơ liên quan không đầy đủ hoặc quy định của pháp luật chưa rõ ràng, yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo theo từng nhóm vấn đề thực tế ở địa phương và nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật để kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết.