Hồ sơ - Tư liệu

Mảnh ghép của làng

PHẠM XUÂN HÙNG 14/04/2024 08:00

Chỉ một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Thu Bồn, nhưng gần như trở thành một mảnh ghép rưng rưng của vài trăm năm xứ Quảng. “Mỹ Xuyên Đông - Đất và Người” là cuốn sách chuyển tải những cảm xúc đó.

dsc_0031-copy.jpg
Chụp ảnh lưu niệm ở Đình làng Mỹ Xuyên Đông. ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Tri ân tiền nhân

“Mỹ Xuyên Đông - Đất và Người” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2024, do Ban Trị sự làng Mỹ Xuyên chủ biên.

Ngay lời nói đầu, nhóm biên soạn đã thiết tha bày tỏ: “Mục đích chúng tôi làm tập sách này nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công lập ấp, dựng làng và kỷ niệm 200 năm sắc phong đầu tiên mà triều Nguyễn đã ban tặng cho làng Mỹ Xuyên Đông (1824 – 2024); đồng thời cũng nhằm lưu lại cho con cháu mai sau những giá trị tinh thần về nơi mình đã được sinh ra và lớn lên; để biết trân quý về nguồn cội, yêu thương về mảnh đất mà cha ông chúng ta đã bao đời gầy dựng…”.

Mỗi trang sách như dòng phim quay chậm. Ngược chiều thời gian, cuốn sách tái hiện ký ức đo bằng chiều dài của những thế kỷ.
Ban Trị sự làng là chủ biên nhưng họ đã thành lập Ban Biên tập và liên kết với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử uy tín như PGS. TS. Ngô Văn Minh, TS. Huỳnh Công Bá, TS. Trần Đình Hằng, nhà văn Hồ Trung Tú… Qua đó, cảo thơm lần giở với những trang sử dày dặn thông tin và học thuật.

Một quan điểm nghiên cứu rõ ràng: Dựa vào quốc sử và thư tịch cổ kim ở địa phương để kiến giải, cộng với điền dã thực địa để đối chứng.

Từ phương pháp nghiên cứu này, ngay từ chương đầu cuốn sách, việc đưa ra hai giả thuyết về thời điểm thành lập làng Mỹ Xuyên (sau này tách ra Mỹ Xuyên Đông) là hợp lý với phương pháp luận nghiên cứu của khoa học lịch sử.

Theo đó, với từng giả thuyết (Giả thuyết 1: Làng Mỹ Xuyên được thành lập từ thời Trần – Hồ, ý muốn chỉ giai đoạn từ 1306 đến 1407; Giả thuyết 2: Làng Mỹ Xuyên được thành lập vào giai đoạn đầu của thời Lê Sơ, 1428 – 1459), cuốn sách chỉ ra những thư tịch, công trình nghiên cứu liên quan, căn cứ thuyết phục và cả những vấn đề sử học tồn tại chưa thể khẳng định một cách chắc chắn.
Dù thời điểm thành lập làng Mỹ Xuyên còn chưa đủ cơ sở để xác quyết, tuy nhiên, làng Mỹ Xuyên Đông thì có những cứ liệu khá thuyết phục.

Tên làng Mỹ Xuyên Đông

Kết quả điền dã của cố GS. Trần Quốc Vượng vào năm 1995 và sau này là TS. Huỳnh Công Bá cùng công trình nghiên cứu gia phả ở Trà Kiệu, thì một trang gia phả nhà Mạc tại đây có ghi chép, dịch ra quốc ngữ như sau: Năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Dương Hòa thứ 8 (triều vua Lê Thần Tông), đức Thượng vương Nguyễn Phúc Lan đã cử 3 thủy quân cơ đến trùng tu chùa Bửu Châu trên đỉnh Hòn Non Trượt cùng với thợ giỏi của 7 xã lân cận cử đến giúp gồm: Trà Kiệu xã, Phố Hoa Châu các thôn giáp (nay là Phú Bông), Thi Lai Châu các thôn (nay là Mã Châu), Hàm Rồng xã, Mỹ Xuyên Tây xã và Chiêm Sơn Đông xã.

459-202403271722511.jpg
Bìa sách “Mỹ Xuyên Đông, Đất và Người” (Ảnh: X.H)

Suy luận gián tiếp, nếu có Mỹ Xuyên Tây xã thì chắc chắn thời điểm này đã có Mỹ Xuyên Đông xã. Như vậy, có thể khẳng định rằng làng Mỹ Xuyên xưa đã tách thành 2 xã/làng độc lập là Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây từ trước năm 1642, nghĩa là đến nay tên làng đã có gần 4 thế kỷ.

Từ việc tìm ra thời điểm phát tích tên làng, cuốn sách đề cập nhiều đến địa lý - hành chính làng, bộ máy quản lý làng xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Đáng chú ý, ở cuối chương I là bài nghiên cứu công phu của PGS.TS. Ngô Văn Minh về làng Mỹ Xuyên Đông trong mối liên hệ với lỵ sở dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn.

Từ những phác thảo ban đầu về danh xưng, nguồn gốc, vị thế địa lý, 6 chương còn lại (từ chương II đến chương VII) với hơn 200 trang sách dày dặn, cung cấp cho người đọc cái nhìn vừa tổng quan và chi tiết về ngôi làng Mỹ Xuyên Đông.

Từ địa lý, dân cư, sông ngòi, bến bãi đến tín ngưỡng, tôn giáo, cuốn sách còn tường tận đến cả miếu xóm, kiến trúc, cảnh quan của làng. Từ truyền thống hiếu học, đánh giặc giữ làng đến những câu chuyện bên lề như việc làng tổ chức thường niên, hình ảnh ngôi làng qua báo chí và chính người làng viết.

Phần cuối sách, góp phần làm nên hồn cốt cuốn sử làng là tập hợp hình ảnh các nhân chứng tham gia Ban Trị sự làng qua các thời kỳ. Cùng với đó, các sáng tác về thơ, nhạc mà tác giả chính là những con dân của làng Mỹ Xuyên Đông.

Gấp cuốn sách trên tay, niềm xúc động dậy lên với hình ảnh một ngôi làng Mỹ Xuyên Đông bên dòng sông Thu Bồn, trên đường thiên lý Bắc - Nam xưa. Ngôi làng vẫn còn nguyên bờ tre, cây đa, giếng nước. Dẫu đã ít nhiều đô thị hóa nhưng nếp làng, tư duy làng còn lưu giữ được phong vận. Dân gian có câu: Đá trôi nhưng làng không trôi - là để chỉ cái gốc rễ sâu bền văn hóa làng xã,nông thôn theo cái nhìn minh triết của người dân quê.

Làng Mỹ Xuyên Đông cũng như trăm ngàn ngôi làng khác trên đất Quảng, sẽ là những mảnh ghép cho ta hình dung về Quảng Nam trong lịch sử. Như hình bóng của tiền nhân để lại cùng cháu con, hôm nay và mai sau.

PHẠM XUÂN HÙNG