Tác phẩm, tác giả

"Chạm vào ký ức"

HÀ AN 14/04/2024 08:30

Trong ba lô của chị, luôn có cuốn sách “Bông hồng vàng” của Pauxtốpxki, “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tônxtôi. Hành trang đó giúp Vũ Thị Hồng bước thật vững vàng trong những ngày chiến chinh khốc liệt ở chiến trường khu 5.

z5333103410821_7d5fe47528ef0f26f50a90d21d200e2f.jpg
Vũ Thị Hồng cùng đồng đội trên chiến trường khu 5. Ảnh: tư liệu

“Chết thì cũng chết cho xứng đáng”

Tôi đọc những trang văn của Vũ Thị Hồng lúc vừa 20 tuổi - khi đang là người lính quân ngũ. Tuổi 20 cũng là lúc Vũ Thị Hồng vào chiến trường Khu 5.

Cho đến khi tôi về công tác tại Hội VHNT tỉnh, được nhà văn Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Bảo kể thêm về cô sinh viên khoa Văn của Hà Nội có má lúm đồng tiền, là bạn cùng thời với họ, thuở ấy cứ nhất mực phải vào Nam chiến đấu. Cái tên Vũ Thị Hồng cứ ám ảnh tôi từ ngày ấy.

Cho đến khi chị cùng văn nghệ sĩ kháng chiến về thăm chiến trường xưa, bao lần được gặp chị, được nghe chị kể những câu chuyện của nhà văn mặc áo lính, tôi càng khâm phục. Chị cho tôi xem bức ảnh được nhà báo Xuân Quang chụp ở trận địa Liệt Kiểm (Hiệp Đức) tháng 4/1972.

Cô gái nhỏ nhắn với hai bím tóc, nụ cười thật tươi đứng bên xác xe tăng của địch. Đó là hình ảnh của người lính chiến trường vừa có 5 giờ đồng hồ leo lên đỉnh đồi với nhiệm vụ phải quay cảnh thực địa và thăm hỏi động viên chiến sĩ ở tổ chốt. Chị nói, hai bên đường đi địch cài mìn dày đặc, không khí sặc mùi khói súng và tử thi.

Cả thời thanh xuân, Vũ Thị Hồng gắn với chiến trường. Chị tâm sự, chồng chị là đại tá, nhà văn Chu Lai. Nhà văn Chu Lai luôn động viên chị: “Cứ viết đi, viết về chính mình…”.

Vũ Thị Hồng là lứa nhà văn đầu tiên được cử đi B - vào chiến trường miền Nam. Chị được giao nhiệm vụ làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, cùng đơn vị với các nhà văn Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hồng… Trong đơn vị ấy, vẫn chỉ mình chị là con gái.

Sống chan hòa, gắn bó, chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với các chiến sĩ và khi cần, chị cùng anh em cầm súng xông lên, như một người lính thực thụ. Cô gái nhỏ nhắn vác trên mình chiếc ba lô nặng trĩu ngót nửa tạ gồm quần áo, chăn màn, lương thực, thuốc men…

Ngày mai tôi sẽ ra trận!

Nhiệm vụ của nhà văn, nhà báo ra mặt trận là chứng kiến, thu thập tài liệu để phản ánh về chính cuộc chiến. Vì vậy, bao giờ Vũ Thị Hồng cũng... xông thẳng về phía chiến trường.

z5333103436979_77a586f5ee007e8d09308abbb2837709.jpg
Nhà văn Vũ Thị Hồng cùng những bạn văn đồng trang lứa vào chiến trường Khu 5 chiến đấu, cùng thăm lại chiến trường xưa tại Quảng Nam năm 2022. Ảnh: H.A

Chị nói, những con người dũng cảm, những nhân vật anh hùng gần như đều ở mũi này. Và cũng là họ, là những người phải ngã xuống đầu tiên. Chiến trường lửa đạn. Mỗi giây phút bên nhau thiêng liêng quý giá biết nhường nào.

Những chuyến đi, những trận đánh, chị tập tò viết phóng sự, những câu chuyện chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ. Và cả những chuyện khó nói của người con gái ở chiến trường.

Bị sốt rét ác tính, nhưng chị giấu đơn vị để được đi cùng Trung đoàn 31 – Trung đoàn chủ lực của F711, có nhiệm vụ đánh trận mở màn cho chiến dịch mùa Xuân năm 1972.

“Lo và vui. Lo phải đi một mình, phải đối đầu với những thử thách khốc liệt của chiến tranh. Còn vui vì mình sẽ thực sự được sống cuộc sống của người chiến sĩ nơi mặt trận, được cùng ăn, cùng ở, cùng cầm súng chiến đấu như họ…”.

Nhiều lần “quần” nhau với địch ở vùng “da báo”, cô bé Hồng đeo súng lục, vai khoác AK, chạy băng qua cánh đồng về chốt trong tầm ngắm của kẻ thù. Đạn pháo cối đanh trời, chị nằm bẹp xuống cỏ. Đạn xuyên thủng ba lô qua mấy lần áo và nằm lại trên da. Cái mũ có tên Bắc Hà văng xa mất tích. Một đơn vị bộ đội hành quân nhặt được. Thế là tin nữ nhà báo Bắc Hà hy sinh lan nhanh khắp vùng… Thực ra, ba lô trên vai đã cứu chị.

Trả “món nợ” cho xứ Quảng

“Chạm vào ký ức” có lẽ là tác phẩm dài hơi đầu tiên nhà văn Vũ Thị Hồng chỉ dành để kể về những câu chuyện thời chiến ở Quảng Nam.

z5333105087523_260b49cefa925234f80fc8723ba1b56e.jpg
Tập truyện ký “Chạm vào ký ức” vừa xuất bản của nhà văn Vũ Thị Hồng. Ảnh: H.A
Các tác phẩm tiêu biểu của Vũ Thị Hồng: Tiếng rừng (Tập truyện ngắn, năm 1984); Trở lại là em (tiểu thuyết, năm 1991); Xóm biển (Tập truyện ngắn, năm 1983); Có một thời yêu (Tập truyện ngắn, năm 1990); Tuyển tập truyện ngắn Chu Lai - Vũ Thị Hồng (năm 1996).

Là những lần người phụ nữ xứ Bắc theo chân Trung đoàn 38 đánh vào quận lỵ Quế Sơn, lăm lăm súng AK giữa đội hình chiến đấu, tay nhuộm máu đồng đội vừa ngã xuống.

Là đôi lần chết hụt khi chiếc ba lô đã cản đường đi của viên đạn, xé toạc tấm áo và găm sẹo chằng chịt trên cánh tay con gái mềm mại.

Cái áo nâu cổ hình trái tim, kỷ niệm của một người bạn gái cùng vào chiến trường. Chiếc áo, kỷ vật một thời lửa đạn vẫn được chị cất giữ như một báu vật – mãi nhớ về thời hoa đỏ ở đất Quảng.

“Buổi chiều chạng vạng, mình tranh thủ ra suối tắm. Tìm được một vũng nước nhỏ khuất sau một bụi cây khô, mình tắm vội vàng, không dám trút bỏ quần áo. Mình sợ nhất lúc đang thay đồ lại dính một đợt pháo bầy hay một loạt bom của địch. Buồn cười thật.

Chết không sợ mà lại sợ cái cảnh thân xác bị phơi bày trước mặt mọi người. Lúc này chỉ muốn có một cô bạn gái đồng hành để cùng nhau chia sẻ những khó khăn, rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày”.

“Sáng nay cậu Vinh, trợ lý chính sách nhờ mình kiểm tra, sắp xếp di vật của các liệt sĩ hy sinh từ đầu mùa chiến dịch tới nay. Run rẩy cả người trước sự mất mát quá lớn. Mình phải ghi chép lại tỉ mỉ họ tên, tuổi, đơn vị, ngày giờ hy sinh và di vật liệt sĩ để lại.

Có gì đâu ngoài mấy cuốn sổ ghi chép, thư từ, ảnh người thân, bút máy, bật lửa, có người còn giữ được mấy đồng tiền Bắc làm kỷ niệm… Gia tài người lính chỉ có vậy. Đọc những dòng ghi chép vội vã giữa hai trận đánh; những trang thư chưa kịp gửi cho mẹ, cho vợ con của họ mà mình không sao cầm được nước mắt”…

Những đoạn trích trong “Chạm vào ký ức” của Vũ Thị Hồng, dễ khiến người đọc xúc động. Chị đã gặp những người dân kiên cường bám trụ địa bàn. Những người dân như thím Thường cùng bầy con bám đất, giữ làng: “Nhà tau đây, tau chạy đi mô, mẹ con tau đi, bọn bây về ở với ai, từ trên núi Hòn Tàu, gửi gắm thương binh, móc nối những người mua hàng chuyển về cứ”.

Bạn đọc còn bắt gặp hình ảnh nhà văn Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Bá Thâm, Vũ Phong Tạo, Ngân Vịnh, phóng viên ảnh Xuân Quang và Nguyễn Bảo người bạn đồng khóa 12, cùng vào chiến trường, cùng nhập ngũ với Vũ Thị Hồng.

Hay cả người lính “đồng hương” nào đó cần hơi ấm phụ nữ giữa chiến trường… Họ đã sống, làm việc và hy sinh thật bi hùng trên mảnh đất trung dũng kiên cường.

Không cường điệu hóa các chi tiết, không gồng mình xây dựng những hình tượng xa rời thực tế, không sa đà kể lể chiến công, không tránh né tổn thất, mặt trái của chiến tranh, chỉ chị mong muốn rằng: “Tôi may mắn được trở về bình an nên thấy có nghĩa vụ phải trả các “món nợ” cho cuộc đời này: trả nợ một người dân cho ở nhờ trong đêm lạc đơn vị, trả nợ người đồng chí trút hơi thở cuối cùng trên tay mình, trả nợ bà má đã nấu bữa cơm cứu đói, trả nợ đồng bào thân thương đã đùm bọc che chở cho chúng tôi vượt qua những giây phút sinh tử”.

HÀ AN