Mở tư duy cùng văn hóa ẩm thực
Khác biệt văn hóa tạo nên nhiều cách tiếp cận với ẩm thực của từng vùng miền. Tuy nhiên, chính điều này lại làm nên những câu chuyện thú vị liên quan đến món ăn...
Món ăn dở?
Năm 2006, Bill Gates tới thăm Việt Nam lần đầu. Đây là sự kiện lớn đối với một quốc gia công nghệ thông tin đang phát triển non trẻ lúc bấy giờ. Các diễn đàn tin học - nơi từng rất đông người sử dụng trước khi có mạng xã hội, hào hứng theo dõi từng cử chỉ của vị tỉ phú thần tượng.
Khi Bill Gates đến Bắc Ninh, người ta đem trầu ra mời ông. Điều này, làm nảy sinh nhiều câu hỏi: đầu tiên, trầu không phải là thứ không có ở Mỹ, người Mỹ gốc Mexico và các vận động viên cũng sử dụng, nhưng đối với người như Bill thì chắc ông chưa từng nghe đến.
Rồi ông có bị say hay bị bỏng miệng vì món ăn lạ này không? Quan trọng là có ai nhắc ông không nên nuốt nước bã trầu hay không? Và quan trọng hơn ai lại nghĩ ra việc đưa trầu, một thứ không hẳn là ẩm thực, không còn phổ biến với đa số người Việt để mời một vị tỷ phú Mỹ?
Gần đây, dư luận dậy sóng khi vài món ăn Việt cùng vô số món ăn của các quốc gia khác bị Taste Atlas - một chuyên trang về ẩm thực đưa vào danh sách những món ăn dở nhất. Trước đó, vào giữa tháng 3, Taste Atlas cũng công bố danh sách 45 món ăn tệ nhất Việt Nam, đứng đầu danh sách là bánh đậu xanh.
Trong khi niềm tin rằng ẩm thực ngon rẻ hàng đầu đã ăn hằn trong tâm trí người Việt, nên danh sách này gây nhiều phẫn nộ. Không chỉ với người Việt, Thủ tướng Thái Lan cũng phải lên tiếng phản đối vì trong danh sách này cũng có các món Thái.
Nhưng cần nhìn nhận khách quan, đây là một danh sách lấy từ khảo sát. Ẩm thực tự bản thân nó đã gây ra sự phân hóa dựa trên nhân sinh quan, thế giới quan của người dùng.
Với ẩm thực Việt, sở dĩ phở được ái mộ bởi tình cờ thành phần, mùi vị của nó có tính phổ biến, hợp với khẩu vị của du khách tới từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng một số món khác trong nền ẩm thực Việt đa dạng thì chưa hẳn.
Lựa chọn ẩm thực quảng bá
Người phương Tây có thói quen không thích ăn gạo dẻo, đó là lý do các món xôi Việt Nam hầu như không xuất hiện trong các bảng xếp hạng món ngon, các gợi ý, review du lịch.
Một câu chuyện khác, theo truyền thuyết, khi vua Louis XIV đến thăm một người bạn, ông được phục vụ món salad. Thay vì trộn với dầu olive như thường lệ, người bạn lại sử dụng một loại dầu rất khó ngửi, nhưng gia đình người bạn này đã quen ăn như thế. Vua không muốn bạn mình xấu hổ, nên ông đã dặn những người đi cùng giữ lịch sự và ăn món salad đó như thường.
Khác biệt văn hóa còn gây ra nhiều vấn đề khác khi tiếp cận ẩm thực. Khi tôi còn làm ở một doanh nghiệp FDI, sếp của tôi - một người Đức, đi siêu thị thấy quả gấc, qua tra cứu Google thì nhận được thông tin loại quả này có họ dưa chuột (về mặt phân loại sinh học thì dưa chuột và gấc cùng họ).
Vậy là ông mua về và trộn gấc vào salad. Khi ăn vào thấy vị hơi lạ, ông mới nghĩ tới việc hỏi các đồng nghiệp người Việt để được giải thích về cách dùng loại quả này để làm xôi gấc.
Chưa hết, một đồng nghiệp người Hàn Quốc của tôi còn ăn hạt dưa cả vỏ, vì đơn giản trên bao bì không có hướng dẫn cắn hạt dưa dù bằng tiếng Anh hay tiếng Việt.
Tương tự, nhiều người Việt coi các món Trung là quá dầu mỡ, không chịu được mùi phô mai, trứng cá muối, thịt mỡ muối của Nga, không ăn được sushi Nhật.
Đơn cử, việc có nên cho dứa vào pizza hay không cũng gây tranh cãi khắp các nền văn hóa trong những năm trước. Đây là một điều thú vị làm nên văn hóa ẩm thực.
Do đó, bảng xếp hạng các món ăn dở chỉ đơn giản là cái nhìn của bạn bè quốc tế về các món ăn người Việt thích nhưng không được quốc tế ưa chuộng. Dĩ nhiên, bảng xếp hạng cũng chỉ nên xem là một nguồn tham khảo, để có lựa chọn phù hợp khi quảng bá ẩm thực, du lịch Việt.
Và những món ăn phổ biến khắp thế giới như pizza, mỳ Ý và cả phở, đều phải cải tiến lẫn tiếp biến trong thành phần, công thức để tiếp cận được số đông thực khách khắp thế giới.
Nên, để ẩm thực Việt vươn xa, cần nhất là một tư duy cởi mở và thấu đáo.