Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển với tổ chức Duy Tân hội
Duy Tân hội là một tổ chức chống Pháp được thành lập vào năm 1904 tại Quảng Nam, cũng là tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô trên cả nước vào đầu thế kỷ 20. Trong đó, đáng kể nhất là phong trào Đông Du. Năm 2024 này, tròn 120 năm ngày thành lập Duy Tân hội.
Trong suốt 8 năm tồn tại, Duy Tân hội thực sự đóng vai trò như một đảng chính trị. Và Tán tương quân vụ Đỗ Đăng Tuyển là một trong những sáng lập viên của tổ chức cách mạng đầu tiên mang tên Duy Tân hội do cụ Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành thành lập.
“Chiêu cổ phần, lập thương hội”
Hoạt động của Duy Tân hội trong suốt 6 năm, từ 1904 đến 1910, luôn gắn liền với vai trò của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển.
Khi chủ trương xuất dương cầu viện, Phan Bội Châu và các đồng chí cần nhất hai việc: đó là kinh phí và nhân tài ngoại giao với viên hướng đạo. Phan Bội Châu kể lại trong “Phan Bội Châu niên biểu (Tự phán)” như sau: “Tiểu La bàn với tôi rằng: Về việc kinh phí chỉ mình tôi với Sơn Tẩu biện được xong”. Sơn Tẩu là mật danh khác của Đỗ Đăng Tuyển.
Trong quá trình lãnh đạo Duy Tân hội, một trong hai điều lo lắng nhất của chí sĩ Phan Bội Châu là “lo làm sao cho tài chánh hậu viện được tiếp tục luôn luôn” vì tài chính của Duy Tân hội ở hải ngoại chưa có cơ sở nhất định, chủ yếu là nhờ sự tiếp tế trong nước. Trong bối cảnh khó khăn đó, nỗi lo của cụ Phan được Đỗ Đăng Tuyển và các đồng chí của mình giải tỏa bằng những hoạt động kinh tài thiết thực, đầy hiệu quả.
Mộ chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển hiện tọa lạc tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2005 và vừa được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia (ngày 12/3/2024). Tên ông đã được đặt cho một số con đường và ngôi trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
Là một “bậc lão thành danh vọng” (chữ dùng của nhà văn Phan Khôi- NV) được nhân dân và đồng sự tin yêu, kính phục, bằng kinh nghiệm của một vị Tán tương quân vụ từng phụ trách quân lương của Nghĩa hội Quảng Nam, Đỗ Đăng Tuyển đã tích cực vận động “chiêu cổ phần, lập thương hội”. Thực chất, hoạt động này là quyên góp bí mật ủng hộ cho phong trào Đông Du.
Chưa rõ tổng số tiền mà Đỗ Đăng Tuyển và các đồng sự đã quyên góp cho Duy Tân hội và phong trào Đông Du là bao nhiêu nhưng chỉ với chi tiết ông đã lo liệu được 3.000 đồng để cung cấp cho Hội chủ và các đồng chí đang ở hải ngoại vào tháng Giêng năm Mậu Thân (1908) được ghi rõ trong cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử, đã cho thấy năng lực vận động tài chính vượt trội của Đỗ Đăng Tuyển. Cũng xin nhắc lại rằng, 3.000 đồng bạc là số tiền không hề nhỏ, bởi lúc bấy giờ, lương Tri huyện hạng nhất chỉ 840 đồng/năm, hạng nhì 720 đồng/năm.
Thúc đẩy phong trào Đông du
Từ thượng tuần tháng Chạp năm Giáp Thìn (1904), khi Phan Bội Châu xuất dương, Đỗ Đăng Tuyển được phân công trợ lực cho Nguyễn Thành phụ trách công việc của Duy Tân hội từ Nam, Ngãi trở vào.
Cống hiến lớn của Đỗ Đăng Tuyển thời gian này, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính mà còn thể hiện rõ ở việc tích cực tham gia chỉ đạo, giữ vững hoạt động của tổ chức Duy Tân hội trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa hai khuynh hướng cứu nước của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu.
Đặc biệt, hè năm 1906, sau khi chí sĩ Phan Châu Trinh từ Nhật về nước, hoạt động của Duy Tân hội đứng trước thách thức lớn. Trước tình huống ngặt nghèo ấy, Tiểu La Nguyễn Thành và Đỗ Đăng Tuyển đã gửi gấp một phái viên là Lưu Ấm Sinh (người Thừa Thiên) qua Nhật để gặp Hội chủ Cường Để và Phan Bội Châu đề nghị viết thư về điều giải hai khuynh hướng yêu nước của hai cụ Phan.
Đáp ứng yêu cầu bức thiết này, Phan Bội Châu đã “tự mình làm một bức thư mong chờ ông Lưu mang về cầu cứu với cụ Tây Hồ (tức Phan Châu Trinh-NV). Còn Hội chủ Cường Để viết bài văn “Ai cáo Nam Kỳ phụ lão” để Lưu Ấm Sinh mang về nước. Nhờ vậy, ở trong nước, Duy Tân hội ổn định được nhân tâm, tiếp tục công cuộc “chiêu cổ phần, lập thương hội”, thúc đẩy phong trào Đông Du tiến triển.
Khi phong trào chống sưu, thuế ở Trung Kỳ năm Mậu Thân- 1908 bùng nổ, nhận thấy được mức nguy hiểm của Duy Tân hội, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp và bắt bớ.
Lần lượt các yếu nhân của Hội sa vào tay chúng, trong đó có Tiểu La Nguyễn Thành. Để tận diệt phong trào Đông Du, tháng 9/1908 Pháp ký với Nhật một hiệp ước, mà theo đó Pháp sẽ cho Nhật vào Việt Nam mua bán, đổi lại Nhật sẽ không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam ở Nhật nữa.
Chính quyền Nhật đã cử cảnh sát đến trường Đông Á đồng văn thư viện để giải tán học sinh người Việt. Đến tháng 3/1909, Phan Bội Châu và Hội chủ Cường Để bị trục xuất. Ở nhiều nơi trong nước, mọi hoạt động quyên góp tài chính và chuẩn bị vũ trang bạo động của Duy Tân hội cũng bị Pháp cho quân đàn áp dữ dội.
Năm 1910, Đỗ Đăng Tuyển bị rơi vào tay giặc. Ông bị giam ở nhà lao Hội An, sau đó bị giải ra Nghệ An để đối chất với các đồng chí khác. Tại nhà tù Lao Bảo, Đỗ Đăng Tuyển, người con tài hoa của đất Quảng, một trong những yếu nhân của Duy Tân hội, đã tuyệt thực bảy ngày và qua đời vào ngày 2/5/1911, tức ngày mùng 4 tháng Tư năm Tân Hợi.