Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?
Không tiêu hết vốn, buộc phải xin kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư chưa bao giờ chấm dứt. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng bất ổn này vẫn là bài toán khó.
Không tiêu hết vốn
Kế hoạch giải ngân đạt 95-100% vốn đầu tư công năm 2023 đã không thể thực hiện được khi tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 31/1/2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) chỉ đạt 79,7% (7.987/10.018 tỷ đồng).
Không thể giải ngân hết vốn, UBND tỉnh buộc phải trình HĐND tỉnh duyệt cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn ngân sách địa phương sang năm 2024.
Thống kê tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) không giải ngân hết, đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 635,126 tỷ đồng của 1.002 dự án.
Ngân sách tỉnh chiếm 395,14 tỷ đồng (340 dự án), ngân sách cấp huyện 212,419 tỷ đồng (446 dự án) và ngân sách xã 26,567 tỷ đồng (216 dự án). Phân tích cho thấy, có 8/1.002 dự án thuộc “các dự án bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng”, chiếm 0,8%.
Có 289/1.002 dự án thuộc “các dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau”, chiếm 28,7%.
97/1.002 dự án thuộc “các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư từ ngân sách nhà nước hằng năm nhưng chưa được cấp thẩm quyền cho phép giải ngân vào năm sau”, chiếm 9,8%.
Nhiều nhất là 608/1.002 dự án được xác định thuộc trường hợp “các dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Số này chiếm 60,7%.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT nói, các chủ đầu tư đều cam kết 1.002 dự án và số tiền chuyển sang này đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu kéo dài và sẽ giải ngân hết vốn khi kết thúc niên độ tài chính 2024.
Chờ HĐND tỉnh
Ông Nguyễn Quang Thử cho hay, kể từ năm 2021 (thực hiện giải ngân trong 1 năm), nên cơ quan quản lý tham mưu UBND tỉnh bố trí sát vốn với khả năng thực hiện dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn. Nhưng tiến độ giải ngân luôn ì ạch, việc không sử dụng hết vốn tiếp tục tái diễn khiến chính quyền, cơ quan quản lý “sốt ruột”.
Năm nào các chủ đầu tư cũng xin kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn, đẩy áp lực giải ngân vốn đầu tư cho các năm sau, bởi ngoài việc phải giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2024 lại phải gánh thêm chuyện phải giải ngân cho hết số vốn kéo dài, khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm nào cũng không thể đạt kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các dự án gặp bất trắc, bất khả kháng, xin kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương đúng thẩm quyền của HĐND.
Tuy nhiên, ông Đức nói khá ngạc nhiên và bất thường khi số lượng dự án và kế hoạch vốn các năm chưa giải ngân hết vẫn còn khá lớn (năm 2022 hơn 1.206 dự án, năm 2023 là 1.002 dự án).
Nhất là đa số được xác định thuộc các trường hợp bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được (năm 2022 là 50,75% và năm 2023 là 60,7%); hoặc trường hợp được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau (năm 2022 là 37,48% và 28,7% năm 2023).
Vì sao chính quyền, cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, kể cả các chế tài kèm theo cho người đứng đầu chịu trách nhiệm, nhưng nhiều năm qua vẫn tái diễn không sử dụng hết vốn đầu tư? Chưa năm nào HĐND bác bỏ đề xuất này của các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, nếu các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể dễ dàng được thông qua, thì 36 dự án với kế hoạch vốn đề nghị kéo dài khoảng 96 tỷ đồng, không thuộc kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, không thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh (2021 - 2025), chỉ được hỗ trợ từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu, nguồn sự nghiệp kinh tế rất khó để giải quyết.
Ông Nguyễn Đức cho biết, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ thẩm tra kỹ lưỡng và tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có báo cáo chính thức trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét trước khi trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến.
Theo ông Đức, điều quan trọng nhất là sự cam kết của các địa phương về giải ngân hết kế hoạch vốn kéo dài sang năm 2024. Cần đặt trách nhiệm của chủ đầu tư, năng lực nhà thầu, người sử dụng vốn ngày càng cao hơn, minh bạch hơn vốn ngân sách, đảm bảo việc sử dụng ngân sách, chi tiêu đúng, chặt chẽ.
Hạn chế đến mức thấp nhất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. Chấm dứt tình trạng khi địa phương xin hỗ trợ mà không thể tiêu hết vốn, trong khi nguồn lực ngân sách ngày càng có hạn.