Giảm nghèo - An sinh

Triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Quảng Nam:Nhiều khó khăn và vướng mắc

MAI NHI 16/04/2024 09:30

Thời gian qua, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở nhiều địa phương trong tỉnh phát sinh vướng mắc, dẫn đến việc thực hiện những nội dung liên quan gặp khó khăn.

v1.jpg
Nhiều địa phương miền núi khan hiếm nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Ảnh: PV

Vướng từ cơ chế

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, từ đầu năm 2024 đến nay việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là vướng mắc từ các cơ chế chính sách.

Theo đó, nhiều văn bản do các cơ quan trung ương ban hành còn chậm và chưa đồng bộ. Một số nội dung còn chồng chéo, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Những vướng mắc phát sinh của từng dự án hiện vẫn chưa được các bộ ngành ở trung ương hướng dẫn hết, chủ yếu liên quan đến thực hiện nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình.

Trong khi đó, các đơn vị, địa phương vẫn còn chậm trễ trong việc hoàn chỉnh thủ tục nên đến cuối tháng 3 vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao năm 2024.

Vấn đề đáng quan tâm, vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương dự kiến phân bổ cho Quảng Nam gần 179 tỷ đồng để thực hiện dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là quá thấp, không đáp ứng so với nhu cầu thực hiện theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1245 (ngày 12/6/2023).

Theo đó, tổng nhu cầu vốn Quảng Nam cần để thực hiện đề án từ nguồn ngân sách trung ương là hơn 282 tỷ đồng (xây mới 5.936 nhà và sửa chữa 2.243 nhà).

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 111 (ngày 18/1/2024) của Quốc hội đã cơ bản tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai các chương trình, giải ngân kinh phí.

Nhiều nội dung cho phép địa phương được tự điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn và giải ngân hết vốn để phát huy hiệu quả, đảm bảo đạt mục tiêu chung của các chương trình.

Thế nhưng, việc áp dụng Nghị quyết số 111 trong thời gian qua vẫn còn phát sinh vướng mắc. Theo đó, cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 111 khác với các quy định trước nên nhiều địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện.

Đến cuối tháng 3/2024, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 111 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Công văn số 1058 (ngày 19/2/2024) của Văn phòng Chính phủ. Do đó, các địa phương chưa có đầy đủ cơ sở để thực hiện.

Đáng chú ý, tại khoản 6, Điều 3 của Nghị quyết số 111 quy định cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là cơ quan nhà nước được giao dự toán thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và được xác định cụ thể tại quyết định phê duyệt dự án.

Quy định này gây khó khăn trong việc phân bổ vốn cho các đơn vị khác ngoài cơ quan nhà nước của tỉnh như các hội, đoàn thể là thành viên của MTTQ Việt Nam… để thực hiện nhiệm vụ kết nghĩa, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Khó triển khai

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, hiện nay tại địa phương không có mỏ đất đá nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.

v3.jpg
Nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương không đáp ứng nhu cầu thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Ảnh: PV

Ông Phương kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh sớm quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ huyện Tây Giang lập những hồ sơ, thủ tục cần thiết để tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ đất đá phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Luật Đấu thầu số 22 được Quốc hội ban hành ngày 23/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Ngày 15/2/2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT ban hành Thông tư số 01 thay thế cho Thông tư số 10 (ngày 26/10/2015) và Thông tư số 08 (ngày 31/5/2022).

Tuy nhiên, đến ngày 27/2/2024 Chính phủ mới ban hành các nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay chưa tổ chức thẩm định, phê duyệt được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án và tiến độ giải ngân vốn của các chương trình...

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cũng nêu khó khăn khan hiếm nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Mẫn còn cho rằng, thời gian qua việc giao vốn thuộc chương trình giảm nghèo bền vững khá chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Theo nhiều ý kiến khác, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững phát sinh không ít khó khăn. Cụ thể, đối với dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thì có 2 cái khó.

Trong đó, về tiểu dự án 1 của dự án 1, một số dự án hiện nay vướng công tác giải phóng mặt bằng (như ở Phước Sơn, Bắc Trà My) do liên quan đến đất rừng nên khó có thể giải ngân hết vốn trong năm 2024.

Về tiểu dự án 2 của dự án 1, nội dung lĩnh vực đầu tư chỉ quy định đầu tư công trình giao thông liên xã tại khoản 4, Điều 1 của Quyết định số 880 của Thủ tướng Chính phủ.

Đa số công trình có tổng mức đầu tư lớn; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ vốn chi tiết và tổ chức thực hiện dự án phức tạp, tốn nhiều thời gian, dẫn đến chậm giải ngân vốn so với thời điểm phân bổ vốn chi tiết. Hầu hết dự án này là công trình giao thông nên vướng thủ tục giải phóng mặt bằng.

Đối với tiểu dự án 2 của dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng thì các văn bản hướng dẫn của trung ương thay đổi, một văn bản hướng dẫn yêu cầu tham chiếu nhiều văn bản hướng dẫn khác nên dẫn đến lúng túng trong việc tham mưu thực hiện.

Đối với dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thì các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư. Nguyên nhân là một số dự án mua sắm thiết bị có tính đặc chủng, ít rộng rãi. Trong khi đó, các đơn vị tư vấn, thẩm định trong tỉnh hạn chế phải tốn nhiều thời gian trong quá trình thực hiện…

MAI NHI