Thủy sản

Tìm giải pháp giúp nông dân Quảng Nam nuôi tôm bền vững

VIỆT NGUYỄN 16/04/2024 10:04

Dịch bệnh liên tục diễn ra nhiều năm qua khiến tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt. Thực trạng này đòi hỏi phải nuôi tôm bền vững.

tom-can.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham quan mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Xuân Cần. Ảnh: Q.VIỆT

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Ông Nguyễn Xuân Cần (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) được Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”.

Ông Cần đã từng nhiều năm lao đao với nghề nuôi tôm. Để học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm, ông Cần lặn lội khắp các vùng nuôi trong cả nước từ Quảng Ninh, Quảng Bình cho đến Cần Thơ, Cà Mau để học hỏi kinh nghiệm nhằm rút ra quy trình nuôi tôm phù hợp.

Trên phạm vi 9ha diện tích đất, ông Cần đã đầu tư 26 ao, gồm các ao ương tôm giống để nuôi tôm nhiều giai đoạn, các ao lắng xử lý nước sạch, các ao xử lý chất thải…

Để có thể cung cấp đủ ô xy cho tôm nuôi với mật độ 300 con/m2, ở mỗi ao nuôi, ông Cần bố trí 1 dàn ô xy đáy, 6 dàn quạt sục khí. Đồng thời, đầu tư hệ thống kiểm soát môi trường nước trong mỗi ao nuôi tôm, luôn thay nước ao nuôi sau khi đã xử lý qua ao chứa lắng...

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, đến nay diện tích tôm thẻ chân trắng chết trên địa bàn TP.Hội An là 10ha, ở huyện Duy Xuyên là 8ha, đã lấy mẫu và xác định tôm chết do đốm trắng.

Mới đây, phát hiện 2ha tôm chết ở xã Tam Hòa (Núi Thành), đã lấy mẫu xét nghiệm, chờ kết quả. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở TP.Tam Kỳ, từ đầu năm đến nay tôm nuôi chết hàng loạt do các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, bệnh do môi trường… Ngành chức năng khuyến cáo các nông hộ có tôm nuôi chết không xả thải ra môi trường, xử lý ao nuôi bằng Chlorin.

Ông Cần cho rằng, để tránh sinh vật gây bệnh cho tôm không được để nguồn nước tù đọng. Tuần hoàn nước liên tục, thường xuyên là bí quyết nuôi tôm của ông Cần (trừ lúc cho tôm ăn và khi tôm lột xác). Cách đầu tư nuôi tôm sạch của ông Cần là đặc biệt coi trọng con giống, tôm thẻ chân trắng giống chất lượng được mua từ các thương hiệu Việt Úc, C.P.

“Phải nuôi theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho hóa chất, kháng sinh. Nhờ đó, sản phẩm là tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh, giá bán cao, đáp ứng tôm nguyên liệu xuất khẩu” - ông Cần nói.

Cùng ý kiến này, ông Hoàng Xuân Thọ - Phó Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P cho rằng, để nuôi tôm thành công, nhất thiết phải sử dụng con giống được kiểm dịch, sạch bệnh, đây là yếu tố cần đầu tiên. Điều kiện cần tiếp theo là môi trường nước phải đảm bảo sạch cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngoài 2 yếu tố đó, để nuôi tôm đạt sản lượng, năng suất cao, thức ăn cho tôm phải chất lượng, quy trình kỹ thuật bài bản và chăm sóc tôm tốt.

Theo ông Thọ, nuôi tôm là ngành công nghiệp, đòi hỏi phải nuôi tôm công nghệ cao và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, không tác động xấu đến môi trường bên ngoài. Nhất thiết phải nuôi tôm bằng hình thức lót bạt để tránh thẩm lậu các yếu tố gây bệnh cho tôm từ bên ngoài.

Quy hoạch phù hợp, liên kết chặt chẽ

Ông Phạm Đình Chương đầu tư nuôi tôm công nghệ cao với 20 ao trên phạm vi hơn 5ha ở dọc sông Thu Bồn đoạn qua thôn Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên). Với thắng lợi liên tục ở các vụ nuôi, ông Chương được người nuôi tôm xứ Quảng xem là người có chuyên môn vững vàng trong nghề nuôi tôm.

Ông Chương cho rằng, nuôi tôm bền vững cần liên kết “4 nhà” gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Cái thiếu ở nghề nuôi tôm Quảng Nam là vai trò mờ nhạt, thậm chí không biết nhà khoa học ở đâu dể dẫn dắt.

Ông Chương nói, cùng với các giải pháp về quy hoạch, khuyến khích nuôi tôm theo chuỗi, rất cần các nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân, nhân rộng các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín.

Quảng Nam cần các nhà khoa hướng dẫn người nông dân áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong nuôi tôm như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để phát triển bền vững, các chủ thể nuôi tôm (người nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) phải tránh các tác động xấu đến môi trường và xã hội, bao gồm mất đa dạng sinh học, nguy hại từ sử dụng nguồn thức ăn và nước, xả thải chưa qua xử lý gây nên dịch bệnh và ảnh hưởng xấu đến đời sống của cộng đồng địa phương.

Đi tham quan các mô hình nuôi tôm ở huyện Thăng Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, ngành nông nghiệp, các cơ quan, địa phương cần tính toán tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại vùng nuôi tôm.

Trên cơ sở đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là điện sản xuất, hệ thống nguồn nước, hạ tầng giao thông đảm bảo thuận lợi để hỗ trợ người nuôi tôm với quan điểm là không nuôi tôm nhỏ lẻ, phải tập trung theo vùng nuôi, khu vực nuôi.

Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu các ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật để người nông dân nuôi tôm sạch, không sử dụng chất kháng sinh, hạn chế tối đa dịch bệnh.

VIỆT NGUYỄN