Nâng cao kỹ thuật trồng sâm cho người dân Trà Linh
Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN&PTNT) duy trì chương trình tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng theo hướng bền vững giúp người dân xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nâng cao kiến thức cần thiết và ứng dụng phù hợp trên diện tích gieo trồng.
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, lâu nay người dân ở xã Trà Linh chủ yếu trồng sâm dựa vào kinh nghiệm.
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên cây sâm Ngọc Linh xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại, gây thiệt hại cho người trồng sâm. Do đó, nâng cao kiến thức, kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm cá nhân là việc cấp thiết.
“Cây giống 1 tuổi sẽ cấp cho người dân vào giai đoạn tháng 9. Từ tháng 3-4 hàng năm sẽ là giai đoạn quan trọng, cần chăm sóc đặc biệt. Nếu có sương muối hoặc mưa đá dễ phát sinh các bệnh úa lá và thối rễ.
Chỉ cần một cây bị bệnh thì trong một tuần sẽ lan sang cả luống. Do đó, áp dụng kỹ thuật và phòng bệnh qua giai đoạn này thì cây sâm sẽ phát triển tốt. Những tháng còn lại chỉ lo phòng chuột, côn trùng. Khi cây sâm qua tuổi thứ 3, sức đề kháng tốt thì tỷ lệ nhiễm bệnh rất thấp” - ông Dang chia sẻ.
Để phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, mỗi năm Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam sẽ tổ chức 2-3 đợt tập huấn cho người dân xã Trà Linh.
Học viên tham gia tập huấn là bí thư chi bộ, thôn trưởng và trưởng, phó các chốt trồng sâm trên địa bàn. Sau đó, học viên sẽ đi thực tế tại vườn sâm để thực hành việc phòng bệnh và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Theo cán bộ Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, về chuẩn bị điều kiện trồng, người dân phải phát băng từ 5-7m, không dài quá 25m và chỉ dọn dây leo, cây bụi, cỏ. Phần không trồng sâm thì giữ nguyên hiện trạng rừng.
Luống trồng phải định dạng bằng thân tre, nứa. Sâm trồng dưới tán rừng giữ khoảng cách hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 30cm. Lưu ý không trồng những ngày nắng gắt hoặc mưa to. Bứng cây luôn cẩn thận, tránh dập nát hoặc đứt rễ.
Về kỹ thuật chăm sóc, cần nhổ cỏ trên luống trồng, luôn phủ một lớp lá cây khô trên mặt đất để tái tạo mùn và giữ ẩm. Phát hiện có sâu nên bắt bằng tay. Còn với bệnh gây hại thì cắt tỉa tiêu hủy bộ phận cây bị bệnh. Hạn chế người lạ vào vườn sâm và không sử dụng vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Văn Bôi - Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Trà Linh cho biết, tham gia tập huấn giúp ông biết cách xử lý đất, chống sâu bệnh. Khi về thôn, ông sẽ chia sẻ lại cho bà con thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, chốt trồng sâm để cùng nhau ứng dụng.
Theo ông Hồ Văn Dang, những năm qua, việc áp dụng đúng kỹ thuật do cán bộ chuyển giao cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ sâm chết giảm đi rất nhiều. Điều này đóng vai trò quan trọng giúp xã Trà Linh hoàn thành kế hoạch trồng mới 333.000 cây sâm/năm.