Thể thao

Quảng Nam tìm cơ chế phát triển bóng đá trẻ

Anh Sắc 17/04/2024 07:50

Theo kế hoạch, tại Kỳ họp 22 tới đây HĐND tỉnh sẽ xem xét bãi bỏ Nghị quyết số 05 (ngày 13/1/2021) về quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bóng đá trẻ tại Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Vì sao bãi bỏ nghị quyết này và trong thời gian tới cơ chế nào để phát triển bóng đá trẻ Quảng Nam?

dsc_0311.jpg
Bóng đá trẻ Quảng Nam sắp tới đây sẽ được đưa về Sở VH-TT&DL trực tiếp quản lý, đào tạo. Ảnh: A.SẮC

Thăng trầm bóng đá xứ Quảng

Lịch sử bóng đá Quảng Nam trải qua không ít thăng trầm, từng thăng hoa với chức vô địch V-League năm 2017 rồi sau đó vài năm bị chìm xuống hạng Nhất.

Niềm vui đã trở lại với người hâm mộ Quảng Nam vào năm 2023 khi đội nhà giành quyền góp mặt ở giải đấu cao nhất Việt Nam một lần nữa. Xứ Quảng có thể tự hào là một trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước có đội bóng đang thi đấu tại V-League.

Tương tự như đội bóng đàn anh, bóng đá trẻ Quảng Nam cũng trải qua nhiều giai đoạn chìm nổi. Những năm gần đây, với sự quan tâm rất lớn của tỉnh, các cầu thủ trẻ đã có được cơ ngơi sinh hoạt khang trang, chế độ dinh dưỡng đảm bảo để ăn ở, tập luyện đạt hiệu quả cao nhất.

Nhờ đó, kết quả thi đấu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2021, đội U13 giành huy chương Đồng giải Bóng đá thiếu niên toàn quốc, đội Trẻ Quảng Nam thi đấu giải hạng Ba quốc gia xuất sắc giành quyền thăng hạng Nhì quốc gia.

Thành tích tốt được các cầu thủ trẻ tiếp tục duy trì trong năm 2022; trong đó đội U19 vượt qua vòng bảng tham dự vòng chung kết giải Bóng đá U19 quốc gia, còn đội bóng hạng Nhì hoàn thành nhiệm vụ giữ hạng.

Năm 2024, bóng đá Quảng Nam mang đến những cung bậc cảm xúc trái ngược. Chưa hết vui với việc đội Quảng Nam mùa đầu tiên trở lại thi đấu ở V-League thì nỗi buồn ập đến khi sân Tam Kỳ không đáp ứng đành phải ra Đà Nẵng thuê sân Hòa Xuân để thi đấu.

Hụt hẫng chưa dừng lại ở đó, đội Trẻ Quảng Nam bỏ cuộc chơi ở giải hạng Nhì quốc gia 2024 và bán suất thi đấu cho CLB Đại học Văn Hiến nhằm giảm bớt gánh nặng kinh phí cho CLB Quảng Nam.

Như vậy sau 3 mùa giải giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhì quốc gia, cái tên Trẻ Quảng Nam đã bị “xóa sổ”. Đây là điều đáng buồn và cũng rất đáng tiếc đối với người hâm mộ xứ Quảng.

Cơ chế nào cho bóng đá trẻ Quảng Nam?

Bóng đá Quảng Nam chuyển sang chuyên nghiệp từ năm 2011 sau khi chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam tiếp nhận quản lý. Dù vậy, để hỗ trợ cho CLB Bóng đá Quảng Nam phát triển bóng đá trẻ, hàng năm UBND tỉnh đều có quyết định hỗ trợ kinh phí 13-16 tỷ đồng/năm.

dsc_0042.jpg
Các lứa vận động viên bóng đá trẻ sẽ được hưởng các chính sách của tỉnh như các môn thể thao khác. Ảnh: A.SẮC

Từ năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05 (13/1/2021) quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bóng đá trẻ tại CLB Bóng đá Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mức hỗ trợ 17 tỷ đồng/năm giai đoạn 2021 - 2022 và 18 tỷ đồng/năm giai đoạn 2023 - 2025.

Tuy nhiên, thực hiện được hai năm 2021 - 2022 với tổng số tiền hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng, từ đầu năm 2023 đến nay kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho công tác đào tạo bóng đá trẻ theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh buộc phải tạm dừng.

Nguyên nhân là từ cuối năm 2022 Kiểm toán nhà nước đề nghị Quảng Nam chấm dứt hỗ trợ ngân sách cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động thể thao theo Nghị định 112 của Chính phủ. Đây cũng là lý do HĐND tỉnh sẽ xem xét bãi bỏ Nghị quyết số 05 tại kỳ họp tới đây.

Hiện nay, ngoài đội Quảng Nam góp mặt tại V-League còn có các lứa đào tạo trẻ từ U11 đến U19 với tổng cộng gần 200 cầu thủ. Để tiếp tục hỗ trợ phát triển bóng đá trẻ, trong điều kiện nhà tài trợ chỉ nuôi đội Quảng Nam thi đấu ở V-League, UBND tỉnh đang xây dựng quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù và một số chính sách hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Quảng Nam, trong đó có bóng đá.

Tất nhiên, đối tượng chỉ là vận động viên đội bóng đá năng khiếu, còn lại đội tuyển tỉnh và đội trẻ, sẽ thực hiện theo quy định Thông tư số 86, ngày 26/10/2020 của Bộ Tài chính như các môn thể thao khác đang được đào tạo tại Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh.

Có nghĩa, tới đây tỉnh Quảng Nam sẽ gánh toàn bộ hệ thống đào tạo bóng đá trẻ. Vì vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong việc quản lý trực tiếp bóng đá trẻ.

Con đường sẽ còn rất dài ở phía trước, như tổ chức thực hiện phương án đặt hàng đào tạo như thế nào, công tác quản lý đào tạo, sử dụng, chuyển nhượng ra sao...? Tất cả đòi hỏi các ngành chức năng xem xét, xây dựng phương án, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.

Anh Sắc