Quảng Nam quyết liệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Đẩy nhanh tiến độ thi công và thủ tục giải ngân, bám sát từng dự án chậm triển khai để nhận diện nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ... là những giải pháp được đề cập nhằm thực hiện đạt hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Nhiều kết quả
Theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh hơn 6.748 tỷ đồng.
Đến nay, Quảng Nam đã phân bổ 6.005 tỷ đồng. Trong đó, chương trình xây dựng NTM 2.058,5 tỷ đồng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.965 tỷ đồng, chương trình giảm nghèo bền vững gần 1.982 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn thông tin, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025, đến cuối năm 2023 số hộ nghèo toàn tỉnh còn 24.669 hộ (chiếm 5,57%), giảm 4.477 hộ so với năm 2022 (vượt 1.447 hộ so với chỉ tiêu).
Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực đồng bằng còn 1,48%, giảm 0,18% (tương ứng giảm 645 hộ so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi còn 22,05%, giảm 4,59% (tương ứng giảm 3.872 hộ). Năm 2023, tỷ lệ hộ cận nghèo cả tỉnh còn 1,9%, trong khi đó mức bình quân cả nước là 2,78%...
Về xây dựng xã NTM, hiện nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn trên toàn tỉnh theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 là 16,42 tiêu chí/xã (tăng 2,63 tiêu chí/xã so với năm 2022).
Quảng Nam đã có 125/193 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ…
Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đề ra hằng năm giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo, nhưng năm 2023 Quảng Nam giảm được 9,72%; giai đoạn 2021 - 2025 có 1.011 hộ được hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, trong năm 2022 - 2023 tỉnh đã thực hiện được 480 hộ; 2 năm qua cũng xóa được 403/907 nhà tạm…
Quyết liệt hơn
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các sở, ban ngành và UBND cấp huyện tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện phân bổ và giải ngân vốn của các chương trình.
Các đơn vị, địa phương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư những công trình, dự án mới năm 2024; bố trí thêm nhân sự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ dứt điểm kế hoạch vốn năm 2024 trong tháng 4/2024.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai dự án, chủ đầu tư cần tổ chức lựa chọn kỹ đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện các nhiệm vụ của dự án, tránh tình trạng phải bổ sung, điều chỉnh hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn và chất lượng dự án.
Sau khi hoàn thành đấu thầu, các đơn vị phải có sự phối hợp, hỗ trợ nhau triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đúng tiến độ để thi công trong tháng 5/2024 mới kịp tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương, đơn vị phải quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đến tháng 6/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023; đến tháng 8/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 và đến tháng 12/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024.
“Phấn đấu đến tháng 5/2024 phê duyệt dứt điểm quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2022; đến tháng 7/2024 phê duyệt dứt điểm quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2023 để có cơ sở giải ngân dứt điểm kế hoạch vốn hằng năm” - ông Tuấn nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong tháng 6/2024, các chương trình, dự án xét thấy không thể giải ngân kế hoạch vốn được giao, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn kịp thời.
Trường hợp để mất vốn hoặc Trung ương thu hồi vốn thì đơn vị, địa phương được giao quản lý vốn có trách nhiệm bố trí ngân sách cấp mình quản lý thanh toán bù đắp cho phần vốn đã thu hồi...
Người đứng đầu nêu cao trách nhiệm
Ngày 15/4, chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành và 8 huyện miền núi về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cấp, ngành phải thường xuyên tổ chức giao ban, rà soát các phần việc đã làm và chưa làm để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn và vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…
“Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Quảng Nam. Do vậy, thời gian tới các ngành, địa phương tập trung khắc phục khó khăn, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả từng chương trình.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện các chương trình trên địa bàn, nhất là những tiêu chí, chỉ tiêu đạt thấp; phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác chỉ đạo và điều hành, không trông chờ cấp trên” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.