Thủy sản

Ngư dân Cẩm An lặn biển bắt vẹm xanh thu tiền triệu mỗi ngày

PHƯỚC HIẾU - ĐÌNH HẢI 18/04/2024 09:31

(QNO) - Sau vài tiếng đồng hồ lặn biển, mỗi ngư dân phường Cẩm An (TP.Hội An) có thể bắt được hàng chục ký vẹm xanh để bán cho thương lái thu về tiền triệu mỗi ngày.

z5357069471465_52c0a45134ffdaf10c9378aacda7d57b.jpg
Sau vài giờ lặn biển, ngư dân Cẩm An bắt được hàng chục ký vẹm xanh. Ảnh: H.H

Gần 5 giờ sáng hằng ngày, khoảng 10 ngư dân ở khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) bắt đầu chèo thúng ra biển cách đất liền khoảng 200m để lặn bắt vẹm xanh bu bám trên kè đá ngầm chắn sóng ven biển phường Cẩm An.

dsc_0421.jpg
Rửa sạch vẹm trước khi mang vào bờ biển. Ảnh: H.H

Dụng cụ để bắt vẹm cũng đơn giản gồm: kính lặn, dao nhọn, cục xốp màu trắng buộc chặt với túi đựng vẹm bằng lưới, đôi găng tay để phòng vẹm xanh cứa vào tay.

Đến 9 giờ sáng, những ngư dân này chèo thúng vào bờ. Sau đó, họ dùng chân để chà lên lượng vẹm bắt được bỏ rêu, vỏ hàu bám bên ngoài và rửa sạch bằng nước biển trước khi mang về nhà cân bán cho thương lái.

dsc_0415.jpg
Vẹm xanh có giá bán khoảng 25-30 nghìn đồng/kg. Ảnh: H.H

Ngư dân Hồ Công Vịnh (khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An) cho biết, hằng năm mùa bắt vẹm xanh bắt đầu từ Tết Nguyên đán đến tháng Năm âm lịch. Bình quân mỗi ngày, anh bắt được khoảng 30kg vẹm xanh và hơn 10kg ốc các loại.

“Tôi dùng dao gọt sạch lớp vỏ hàu bên ngoài của vẹm và cân bán cho thương lái ở chợ. Mỗi ký vẹm có giá dao động 25-30 nghìn đồng, ốc có giá khoảng 40 nghìn đồng/kg, thu nhập đem lại cho tôi khoảng 1 triệu đồng/ngày” – anh Vịnh chia sẻ.

dsc_0419.jpg
Gánh vẹm về nhà. Ảnh: H.H

Còn ngư dân Nguyễn Đông (phường Cẩm An) cho hay, ngoài thời gian đánh bắt hải sản gần bờ, anh cùng với các bạn thuyền chèo thúng ra biển để lặn bắt vẹm xanh.

Sau 3 tiếng đồng hồ lặn biển anh bắt được khoảng 40kg vẹm, ốc. Khi về làm sạch, thương lái tới tận nhà để thu mua, hoặc mang ra chợ bán.

z5357069448625_d51278a6e36e800b708a5a5a4919dbf3.jpg
Ngư dân Cẩm An còn bắt được nhiều loại ốc biển có giá trị. Ảnh: H.H

"Vẹm xanh thường sống bám vào xác tàu đắm, kè đá. Những năm gần đây, khi đơn vị thi công làm bờ kè đá chắn ngầm sóng ở biển Cẩm An, vẹm xanh có môi trường sinh sống thuận lợi nên phát triển rất nhanh với số lượng lớn.

Mùa bắt vẹm xanh chỉ diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch, khi có gió nồm hoặc mùa biển động thì không khai thác được loài này" - anh Đông nói.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho hay, khoảng 5-6 hộ dân sinh sống gần khu vực bờ biển, họ làm nghề đánh bắt thủy sản, lúc rảnh thì ra biển lặn để bắt vẹm bán cải thiện thêm thu nhập cho gia đình.

z5357098483928_78ece82c9e9b13c97cee9fca3fda0390.jpg
Gọt bỏ vỏ hàu bám bên ngoài vẹm trước khi cân bán cho thương lái. Ảnh: H.H

Vẹm xanh còn có tên khoa học là Perna Viridis. Nó thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh và có mặt ở khắp các vùng biển trên thế giới. Vẹm xanh trông khá giống nghêu nhưng dài hơn và thường được dùng chế biến các món nướng, xào sả, hấp, nấu canh và khi ăn có vị ngọt, béo nên được nhiều người ưa chuộng.

PHƯỚC HIẾU - ĐÌNH HẢI