Giỗ tổ vua Hùng trên quê hương Đại Lộc
Hằng năm, cứ đến mùng 10 tháng Ba âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc long trọng tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương tại đền tưởng niệm Trường An nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức các vua Hùng.
Năm nay, đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đại Lộc được tổ chức vào chiều tối 17/4 (mùng 9 tháng Ba âm lịch), với sự tham gia của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Đại Lộc, các xã/thị trấn cùng đông đảo nhân dân. Hàng chục năm qua, lễ Giỗ tổ đều được tổ chức trang trọng tại đền tưởng niệm Trường An, công trình mang dấu ấn văn hóa - lịch sử của đất và người Đại Lộc.
Đền tưởng niệm Trường An được xây dựng từ năm 1993 - 1995, tại đồi Trường An (thôn Trường An, xã Đại Quang, Đại Lộc). Đây là một đồi cao nằm sát tỉnh lộ ĐT609, một bên là dòng Vu Gia uốn lượn.
Hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc chọn nơi đây tổ chức lễ Giỗ tổ nhằm tri ân công đức các vua Hùng, các bậc tiền bối hữu công đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân Đại Lộc.
Bởi lẽ, đồi Trường An từng là một trong những cứ điểm quan trọng của Mỹ - ngụỵ (Thượng Đức - Trường An - Ái Nghĩa) gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân ta.
Việc xây dựng nơi đây thành quần thể kiến trúc đền tưởng niệm, hoa viên, khu thờ cúng các bậc tiền nhân, khu thờ cúng liệt sĩ vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đền tưởng niệm còn có khu thờ bài vị của tất cả các dòng họ trên địa bàn huyện, có văn bia tiến sĩ người Đại Lộc, có danh sách liệt sĩ của 18 huyện/thị trấn và liệt sĩ hy sinh trên đất Đại Lộc.
Hằng năm, dù có đi đâu về đâu, nhiều người con Đại Lộc đã tụ hội về đền tưởng niệm Trường An dâng hương, tưởng nhớ tiền nhân.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, ngày Giỗ tổ hằng năm còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi sáng tác thơ, hội thi gói bánh dày bánh chưng, thi tìm hiểu về văn hóa Lạc Hồng…
Theo nghi thức, mở đầu chương trình là lễ rước kiệu dâng lễ vật tri ân các vua Hùng của 18 xã/thị trấn. Dẫn đầu là đội tiêu binh rước Quốc kỳ và cờ hội, tiếp đến là đội hình nhạc lễ, thanh niên rước cờ hội, kiệu lễ vật, đoàn đại biểu lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn…
Các mâm lễ vật được bày biện quanh khu vực đài tưởng niệm, trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc lễ. Ban nhạc lễ và ban lễ tế tổ chức tế lễ theo hình thức cổ lễ kéo dài nhiều giờ. Văn tế nhằm ca ngợi công đức của 18 đời vua Hùng dựng nước và giữ nước, ca ngợi công đức tiền nhân đã bảo vệ non sông, bờ cõi. Kết thúc phần tế lễ, các đại biểu dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, các bậc tiền bối hữu công và các anh hùng liệt sĩ.
Theo ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, địa phương nỗ lực bảo đảm lễ hội hằng năm được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc.
Phần hội kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại. Đây còn là dịp để mỗi người lắng đọng, cảm nhận sự thiêng liêng của mảnh đất cội nguồn. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các nghi lễ truyền thống, gắn kết cộng đồng, dân tộc.