Trung tâm Y tế Nam Trà My thiếu hụt nguồn nhân lực
Nhiều bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My làm đơn xin nghỉ hoặc bỏ việc, gây thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực, ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh cho người dân vùng cao.
Từ năm 2023, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Trà My có nhiều trường hợp y bác sĩ nộp đơn xin chuyển công tác hoặc tự nghỉ việc. Trong đó có 6 bác sĩ được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa I (theo chính sách hỗ trợ của tỉnh) gồm bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ khoa nhi, bác sĩ chuyên sâu y học cổ truyền - phục hồi chức năng… Chế độ tiền lương thấp là nguyên nhân của tình trạng này.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Bác sĩ không mặn mà gì khi làm việc ở miền núi, bởi họ làm việc ở đồng bằng có điều kiện làm thêm, thu nhập cao hơn. Các y bác sĩ ở đây đều qua thi tuyển chứ không có ưu tiên gì, như xét tuyển chẳng hạn.
Người tại chỗ muốn phục vụ lâu dài nhưng thi tuyển không đạt. Địa phương đề xuất Bộ Y tế và tỉnh xem xét, có chế độ đặc thù với đội ngũ y bác sĩ miền núi, trong đó có Nam Trà My”.
Còn theo bác sĩ Hoàng Văn Luận - Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Trà My, các cơ quan chức năng cần có cơ chế ràng buộc hơn để tránh tình trạng bác sĩ sau khi được cử đi đào tạo lại bỏ việc.
TTYT huyện cũng gặp khó, bởi khi được cử đi đào tạo, các bác sĩ vẫn hưởng lương, nhưng khi họ bỏ ngang thì không có cơ sở gì để ràng buộc hoặc thu hồi lương và các khoản đã cấp.
Lãnh đạo TTYT huyện Nam Trà My thông tin, năm 2024, biên chế giao đơn vị là 98 chỉ tiêu, nhưng hiện chỉ có 52 chỉ tiêu, vẫn còn thiếu 46 người. Vì thiếu nguồn nhân lực nên các bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều chuyên khoa, thêm nhiều việc khi có yêu cầu,...
Mỗi ngày, TTYT huyện Nam Trà My đón tiếp khoảng 80 lượt người đến khám và điều trị; trong đó điều trị nội trú khoảng 30 - 40 bệnh nhân.
Thiếu y bác sĩ nên TTYT huyện thường quá tải; có những trường hợp bệnh đơn giản trở nên phức tạp, nhiều trường hợp phải chuyển lên tuyến trên, gây phiền hà và tốn kém cho người bệnh.
Ông Huỳnh Bá Nghiêu (ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cho biết: “Tôi đến TTYT huyện khám bệnh, xét nghiệm và được chẩn đoán đau thần kinh tọa. Nhưng chờ hơn hai tuần mới được nhập viện, vì trước đó được thông báo không có bác sĩ điều trị”.
Bác sĩ Trần Thị Thu Phương - Phó Trưởng liên khoa Ngoại - Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt (TTYT huyện Nam Trà My) cho hay, nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị nhưng TTYT huyện phải chuyển tuyến trên, với những ca bệnh nặng chỉ cấp cứu rồi chuyển viện chứ không đảm bảo điều trị tại chỗ. Nhiều người bệnh phải chuyển tuyến cấp cứu dù chỉ là bệnh thông thường.
“Thiếu nhân lực và chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật dẫn đến danh mục đầu thuốc cũng ảnh hưởng theo; chỉ định dùng thuốc cũng là khó khăn cho y bác sĩ. Như tôi là bác sĩ đa khoa, nhưng khi bác sĩ sản phụ khoa cần chỉ định cao hơn tôi không thực hiện được” - bác sĩ Phương nói.