Tài chính - Thị trường

Kinh tế tập thể thúc đẩy liên kết sản xuất

VIỆT NGUYỄN 19/04/2024 13:15

Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đẩy mạnh liên kết sản xuất, thúc đẩy chuỗi giá trị hàng hóa.

do.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Oanh liên kết với người nông dân để sản xuất nguyên liệu sạch. Ảnh: Q.VIỆT

Liên kết sản xuất

HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) liên kết với nông dân trên địa bàn để sản xuất các loại lúa gạo lứt, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, mè đen, hạt sen… trên 7ha đất.

Nông dân khi liên kết canh tác sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản phẩm được HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh thu mua với giá cao hơn mặt bằng thị trường để làm nguyên liệu chế biến các loại ngũ cốc dinh dưỡng sạch.

Đến nay, hai loại hàng hóa là bánh thanh gạo lứt hạt và rong biển Duy Oanh; bột ngũ cốc Duy Oanh đã được UBND tỉnh chứng nhận OCOP 4 sao chất lượng tốt, được thị trường đón nhận. Mỗi năm, HTX Duy Oanh cung ứng hơn 3 tấn ngũ cốc các loại, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 17 ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 81 dự án liên kết được phê duyệt. Các dự án liên kết đã thu hút 80 HTX và 73 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi với sự tham gia của 17.261 hộ dân thực hiện các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi.

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh cho biết, hiện tại thương hiệu bột ngũ cốc Duy Oanh có 11 sản phẩm chủ lực, gồm ngũ cốc dinh dưỡng và các loại hạt. HTX là liên kết sản xuất nông nghiệp sạch tạo ra hàng hóa chất lượng, khẳng định thế mạnh địa phương, hài hòa lợi nhuận với nông dân.

do2.jpg
Nguyên liệu sạch để HTX Duy Oanh chế biến bột ngũ cốc. Ảnh: Q.VIỆT

Ở xã Bình Đào (Thăng Bình), Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang cải tạo 32,8ha đất hoang trên địa bàn, kết nối với Công ty Giống nông nghiệp Hà Nội, Công ty Phát triển nông nghiệp Minh Tâm Quảng Nam để mua giống rồi liên kết với nông dân trên địa bàn để sản xuất lúa ST24, ST25 hữu cơ, sau đó thu mua sơ chế thành hàng hóa chất lượng cung ứng ra thị trường. Tổ hợp tác cũng đã liên kết với nông dân trồng sen hữu cơ trên 17,8ha và thu mua, chế biến, cung ứng ra thị trường.

Đến nay, 3 hàng hóa gạo sạch Trường Giang, hạt sen sạch Trường Giang, trà hương sen Trường Giang đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, đem lại doanh thu khá cho tổ hợp tác và nông dân.

sen.jpg
Liên kết sản xuất sen hữu cơ của Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho rằng, chuỗi giá trị có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế tập thể. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, các loại hình kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò, nhất là tạo dựng, phát triển bền vững các chuỗi giá trị liên kết.

Các chuỗi liên kết góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính.

do3.jpg
HTX Duy Oanh giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa sạch ở hội chợ. Ảnh: Q.VIỆT

Cú hích phát triển

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2023, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã được các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

Liên kết đã nâng cao thu nhập cho các bên tham gia; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.

Tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các HTX, khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng chủ lực.

Theo ông Vũ, thời gian tới Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình, dự án liên kết hiệu quả trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm đối tác, kêu gọi đầu tư hợp tác liên kết sản xuất.

Ngành chức năng phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết vướng mắc về mức hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để thúc đẩy liên kết phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, thời gian tới Quảng Nam sẽ rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX; củng cố, xây dựng thêm các vùng nguyên liệu tập trung. UBND tỉnh đề nghị các HTX, doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt chuỗi liên kết nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động liên kết theo hướng công khai, minh bạch, thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia.

VIỆT NGUYỄN