Những quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo
(QNO) - Thế giới hiện có 7 quốc gia sản xuất gần như toàn bộ điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy, các quốc gia gồm Albania, Bhutan, Nepal, Paraguay, Iceland, Ethiopia và Congo hiện sản xuất hơn 99,7% lượng điện tiêu thụ nội địa bằng năng lượng địa nhiệt, năng lượng hydro, năng lượng mặt trời hoặc gió.
Trong đó, Bhutan - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cũng là quốc gia duy nhất có lượng khí thải CO2 âm - đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, thế giới hiện có hơn 40 quốc gia tạo ra ít nhất 50% lượng điện tiêu thụ từ công nghệ năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021 - 2022.
Ví như, Vương quốc Anh sản xuất 41,5% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2022, tăng 10,5% so với năm trước đó. Đức cũng có khả năng sử dụng 100% điện năng tái tạo trong thời gian ngắn.
Đáng chú ý, công nghệ năng lượng tái tạo tạo ra lượng điện tương đương 113% tổng mức tiêu thụ điện tại Scotland vào năm 2022.
"Những con số phá kỷ lục tại Scotland là cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới mục tiêu không khí thải của vương quốc, thể hiện rõ tiềm năng to lớn của các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu" - bà Claire Mack - Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng tái tạo Scottish Renewables tuyên bố. Hiện sản xuất điện sạch của Scotland chủ yếu dựa vào năng lượng gió.
IAE và IRENA cho biết có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây với việc cải thiện hiệu quả của pin mặt trời, nổi bật là pin perovskite nhiều tiềm năng ứng dụng để phát triển điện mặt trời, quy trình sản xuất tương đối dễ và chi phí thấp.
Giáo sư Mark Jacobson của Đại học Stanford (Mỹ) - người công bố dữ liệu từ IEA và IRENA trong tuần này khẳng định: "Chúng ta không cần những công nghệ thần kỳ. Chúng ta cần ngăn chặn khí thải bằng cách điện khí hóa mọi thứ và cung cấp điện bằng gió, nước và mặt trời..."
Các nhà khoa học tại Đại học Exeter và Đại học London (Vương quốc Anh) nhận định, chi phí thương mại giảm khiến năng lượng mặt trời đạt đến điểm bùng phát "không thể đảo ngược" và sẽ trở thành nguồn năng lượng thống trị thế giới vào năm 2050.
Những tiến bộ về công nghệ và kinh tế có nghĩa là việc chuyển đổi sang năng lượng sạch không chỉ có thể đạt được mà còn là điều không thể tránh khỏi.
Thực tế, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sẵn có rộng rãi nhất trên trái đất và sức hấp dẫn kinh tế của năng lượng mặt trời đang được cải thiện nhanh chóng trong chu kỳ đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng.
Dữ liệu từ IEA, công suất năng lượng tái tạo bổ sung vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới tăng 50% vào năm 2023, đạt gần 51GW, trong đó năng lượng mặt trời chiếm 3/4. Tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.