Người Quảng Nam

Tiếng Dân, đâu đó cũng là dân

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 21/04/2024 07:30

Tháng Tư, trong hơi thở xa và hiền của tiếng chuông chùa Thiên Ấn, lẫn trong thoáng ngân của dòng sông Tiên, những nhắc nhớ từ một “Tiếng Dân” thức dậy...

z5352470240715_cce87ff9c4219f18df7546be99186d1d.jpg
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn trở thành điểm đến đặc biệt tại Quảng Ngãi. Ảnh: X.H

Tròn 77 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng (21/4/1947). Người dân Tiên Phước ở quê hương cụ Huỳnh, những ngày này lại tìm đến núi Ấn (Quảng Ngãi) - nơi cụ yên nghỉ, thắp nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của quê mình.

Lòng yêu nước

Người dân Việt vẫn gọi cụ theo cách quý trọng mà thân gần: Cụ Huỳnh, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân. Cụ không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, nuôi chí canh tân đất nước.

Sau 13 năm bị đày ra Côn Đảo, cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, tiếp tục vạch trần chính sách cai trị nô dịch - cướp bóc của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến.

Không gì khác hơn từ chính lòng yêu nước, cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia Chính phủ lâm thời với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi ấy, cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ làm đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”…

Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng, qua đời tại Quảng Ngãi vào năm 1947, phần mộ được đặt tại một vị trí đặc biệt của địa phương này: đỉnh núi Thiên Ấn nhìn xuống dòng Trà Khúc.

Trước khi mất, cụ viết thư chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn ghi: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả… Chúc cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc”. Hồ Chủ tịch quyết định tổ chức quốc tang cụ Huỳnh giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt.

Dân là gốc nước

Năm 2013, Nhà nước đã truy tặng cụ Huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất, đặc biệt dành cho những người có công lao xuất sắc đối với đất nước.

Đóng góp lớn về tư tưởng là những trước tác của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Những bài thơ, bài báo cùng những suy tư của cụ về đất nước, về chủ quyền biển, đảo... vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Đọc lại một số trang viết của cụ, vẫn thấy nguyên tấc lòng dành cho người dân khó nghèo: “Dân nghèo không ruộng biết nhờ ai?/ Đậu, bắp, mì, khoai, gạo đỡ ngày/ Chẳng rõ vì sao thêm mối khổ?/ Hôm qua ông Lý bắt đòi khai” (Cảnh nhà quê, Tiếng Dân số 493, ngày 8/6/1932).

Quan niệm của cụ về dân và nước rất hiện đại. “Hợp dân thành nước” và “Nước lấy Dân làm gốc, Dân an thì Nước mới vững bền”. Giữa dân quyền và nhân quyền, cụ viết: “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” thì Dân và nhân chả khác gì cả (Tiếng Dân số 955, ngày 3/9/1936). Suy nghĩ rộng hơn, thì có thể thấy rằng, cụ hằng tin, dù cuộc sống có bao nhiêu dâu bể thì nhân dân vẫn là hồn nước.

Suốt 16 năm, tờ báo Tiếng Dân của cụ luôn đi theo tôn chỉ: “Dân là gốc nước - Tiếng dân đâu đó cũng là dân”. Cụ thường xuyên nhắc nhở về mục đích của người làm báo, với là tinh thần: “Mực say bút múa sức xông pha”.

Trong tôi, lại hiện ra sắc xanh của hàng chè tàu hai bên lối đi dẫn vào ngôi nhà được dùng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Trung bộ - nơi cụ Huỳnh đã sống và cống hiến sức lực cho đến khi qua đời. Khi ấy, cụ 71 tuổi.

Dõi theo giấc nghìn thu

Mối quan hệ gắn sâu giữa cụ Huỳnh với Quảng Ngãi có lẽ bắt đầu từ chuyến Nam du của cụ những năm 1905, khi cụ tiếp xúc với nhiều nhân sĩ Quảng Ngãi.

Năm 1908, ngay khi nổ ra phong trào Kháng thuế cự sưu, Quảng Nam, Quảng Ngãi là nơi hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Sau này, khi bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, cùng lúc nhiều chí sĩ Quảng Ngãi bị đày ra đó, thì đã kết thân với cụ Huỳnh. Thời kỳ cụ Huỳnh làm báo Tiếng Dân cũng có rất nhiều mối gắn bó với giới nhân sĩ cũng như người dân Quảng Ngãi.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Huỳnh lại thêm một lần nữa gắn bó khi ông về với Quảng Ngãi trong vai trò đại diện chính phủ, tạo ra mối đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp người dân. Chính vì mối quan hệ khắng khít như vậy, nên khi cụ Huỳnh mất tại Quảng Ngãi, người dân đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.

Theo nhiều nhà nghiên cứu tại Quảng Ngãi, việc đưa di hài cụ Huỳnh lên núi Thiên Ấn là biểu hiện cho thấy sự tôn kính và tấm lòng của người dân Quảng Ngãi với cụ Huỳnh. Bởi, Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh, là ngọn núi thiêng đối với người Quảng Ngãi.

Mộ cụ Huỳnh tại núi Thiên Ấn là sự kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương. Ngôi mộ vừa có đường nét đơn giản, vừa có sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn. Năm 1990, núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ VH-TT xếp hạng di tích quốc gia.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT