Chuyện ý nhị ở phố
Phố của tôi có một cô gái người Ukraina, trông như người mẫu, dọn về ở. Người nước ngoài về đây ở đã là chuyện lạ. Người Ukraina lại càng lạ hơn.
Học cách văn minh
Cô gái Ukraina này rất xinh đẹp, lại ở một mình. Nhà tôi ở sát vách nhà cô ấy thuê. Mỗi sáng, dắt xe đi làm, tôi bắt gặp cô ấy đổ rác. Một cô gái thon thả, tóc vàng, da trắng, cười xinh như mộng mà ở sát vách nhà mình thì thật không “dễ chịu” chút nào.
Tôi rất muốn hỏi ngay những câu phổ biến: sao em lại về đây ở? Em làm nghề gì? Em có chồng chưa? Nhưng tôi đã kiềm chế. Dù có tò mò đến mấy thì cũng phải kiềm chế, vì phải tập làm người văn minh, không can thiệp vào đời tư người khác.
Gặp cô ấy mỗi sáng, tôi chỉ dám mỉm cười nhã nhặn và chào “Good morning” rồi đi thẳng. Tôi nghĩ, như vậy là vừa đủ cho người hàng xóm mới.
Nhưng có một chị hàng xóm đã bước thẳng vào nhà cô ấy khi đi đổ rác. Bằng vốn tiếng Anh lõm bõm, chị ấy đon đả hỏi cô ấy từ đâu đến? Tại sao đến đây một mình? Vẫn chưa lấy chồng à? Có con chưa? Sau khi vừa trả lời vừa né tránh trong khó chịu, cô ấy được chị hỏi thêm: về đây thì có nấu cơm không? Trưa nay ăn món gì đấy (vừa hỏi vừa tiến đến mở vung nồi ra xem).
Chị ấy còn vui vẻ chia sẻ rằng, về đây ở thì đừng ngại, cần bất cứ gì hãy gọi chị ấy, cứ coi như chị em...
Sau khi xông thẳng vào nhà và “điều tra” mọi phương diện, chị ấy vào nhóm Zalo của khu phố, hớn hở khoe kết quả.
Chị ấy kể tất tần tật thông tin mình “khai thác” được từ cô gái lạ ngoại quốc mới đến. Chị ấy biết cả khu phố tò mò về cô gái này nên việc nắm được kha khá thông tin “quan trọng”, và rộng bụng chia sẻ cho mọi người trong nhóm thì mọi người sẽ biết ơn và kính nể.
Trong khi có một số người thả tim nội dung tin nhắn, có một số người thả icon “ha ha”, có người lại bình luận “trông ngon thế, chắc là gái ngành”. Rồi nhiều người thả ha ha vào bình luận đó. Tôi tỏ thái độ gay gắt với mọi người.
Tôi gửi nội dung vào nhóm: “Chào mọi người. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần văn minh và cần học cách trở thành người văn minh. Tôi cũng đang học cách làm người văn minh, tôi thử chia sẻ thế này, không biết có đúng: với một người lạ, nhất là người nước ngoài, chúng ta cần dành sẵn sự tôn trọng đối với họ. Mà sự tôn trọng cơ bản nhất là dành cho cô ấy một ánh nhìn bình thường như nhìn bao người khác. Không soi mói, kỳ thị, tò mò. Cũng không nên vồ vập hỏi quá nhiều. Việc đi thẳng vào nhà của họ để tìm hiểu, quan tâm thái quá như vậy là không nên”.
Tất nhiên, ý kiến của tôi gây đỏ mặt tía tai đối với nhiều người trong nhóm. Nhưng tôi đã sẵn sàng đối diện với chuyện đó. Tôi hy vọng, lời nói “chướng tai” của mình sẽ thay đổi phần nào đó về ý thức “văn minh trong phố”.
Nhịp sống ở phố
Cuối tuần vừa rồi, mẹ ở quê lên thăm gia đình tôi. Mẹ xách theo 2 con gà, chúng ở trong giỏ cói, thò đầu ra ngó nghiêng. Mẹ cũng mang theo chục trứng vịt và khá nhiều rau muống, rau cải. Trưa trật, hai mẹ con về đến nhà.
Mẹ xăng xái: “Rau nhiều, chắc là ăn không hết, để mẹ biếu bác hàng xóm ít rau muống nhé?”. Tôi can: “Từ từ xem thế nào đã mẹ ạ. Đang giờ trưa, có thể họ đang nghỉ trưa. Mà mình cần cân nhắc, nhà họ có vẻ ra ngoài ăn chứ ít nấu ăn nên mình biếu rau chưa chắc đã hay”. Mẹ bảo “thì mình cứ biếu, họ có dùng không thì kệ họ”.
Tôi không đồng ý, phân tích với mẹ rằng, việc biếu cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể xuề xòa. Ở phố, đủ thân tình mới biếu đồ ăn. Món mình biếu cũng phải hợp với người nhận, để người nhận cảm thấy trân trọng người biếu. Ở quê, thích biếu là cứ biếu, không phải nghĩ. Nhưng nếp sống ở phố thì khác.
Khổ thân mẹ, lích kích mang hai con gà còn sống, lên xe đò thì bị lơ xe nhằn, đến nhà con trai, để ở góc nhà, gây ồn ào và bốc mùi phân gà trong cái nóng oi bức. Dù đang bận việc nhưng tôi phải tranh thủ làm thịt hai con gà ngay.
Làm xong, tôi vui vẻ chia sẻ với mẹ rằng gà rất ngon, “của một đồng công một nén”, nhưng lần sau mẹ không cần phải cầu kỳ như vậy. Khi ở phố, sự giản tiện được ưu tiên hàng đầu. Không gian sống chật hẹp, mình cần chọn cách phù hợp hơn. Mẹ nghe, ra chiều cũng hiểu nhưng không vui lắm.
Tôi cũng hiểu rằng không thể thay đổi tính cách người già trong một sớm một chiều. Nhưng tôi vẫn nhẫn nại, nhã nhặn phân tích từng chút cho mẹ biết rằng, chẳng phải chảnh chọe hay bày đặt làm sang, mà phong cách, không gian, nền nếp sống ở phố buộc phải khác ở quê. Đơn giản, bởi nếu ở phố mà vẫn sống theo kiểu ở quê thì rõ là không phù hợp văn hóa.
Tôi cũng là người quê mùa, gót chân còn dính phèn. Nhưng tôi nghĩ, đã lên phố thì phải thay đổi, để hòa nhập với nhịp sống ở phố.
Ban đầu, việc tập cách sống văn minh sẽ gặp nhiều bất tiện. Từ chuyện không được nói lớn, không gọi nhau í ới, không tự nhiên đi thẳng vào nhà người khác cho đến cả việc không nên tự tiện tám chuyện nếu chưa đủ thân, không chõ vào chuyện của người khác... Nhưng sau khi rèn luyện được nếp văn minh đó rồi, lại cảm thấy rất thoải mái và yêu cái nếp sống ở phố ấy rất nhiều.