Lặng lẽ thưởng trà
Hoa cà phê nở trắng đồi đất đỏ. Giữa không gian bàng bạc của xứ sở Di Linh (Lâm Đồng), chúng tôi như nghe cả vị đất trời sóng sánh trong chén trà ươm vàng cánh gián...
Trạm dừng
Một vị ẩn sĩ lánh đời chỉ tiếp bạn tâm giao, lần đầu chúng tôi cảm được chữ “tĩnh”, ở ngay không gian trà đạo của anh. Nơi giao nhau giữa đất và trời, đôi vai được gột sạch những gánh nặng, chúng tôi lặng lẽ quan sát vẻ đẹp từ tốn của nghệ thuật trà đạo. Chợt òa lên niềm thích thú khi nhận ra vạn vật đều đang vận hành theo đúng quy luật của tạo hóa.
Một không gian trà đạo chẳng có bảng hiệu hay tên tuổi. Nó không mở ra với mục đích kinh doanh, chỉ đơn giản là một trạm dừng chân cho lữ khách yêu trà, hiểu trà.
“Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, chắc cũng như chén trà ấy, tưởng nhạt nhẽo mà lại lâu dài thắm thiết. Ở đó, chúng tôi tạm quên đi những bấp bênh của cảm xúc. Được, mất, bại, thành, phút chốc tan theo vị trà thanh tân.
Cơ duyên được nếm thử các loại trà khác nhau qua bàn tay khéo léo của trà nương, từ Bạch Trà, Hồng Trà, cho tới Shan Tuyết cổ thụ… làm ai nấy đều cực kỳ trân quý khoảnh khắc hiện tại.
Chúng tôi hít hà mùi hương, nhấp nhỏ từng ngụm, cảm nhận vị trà đọng tại đầu lưỡi. Ai nấy gật gù nhận ra mỗi loại trà lại mang trong mình một ý vị riêng chẳng trộn lẫn.
Không gian trà đạo có khói trầm, thư pháp, có ấm tử sa thạch biều… Có điều, vừa khéo lại thiếu tiếng chuông đồng gõ mõ. Nhân sinh mà, làm gì có cái nào thập toàn thập mỹ. Thiếu chuông bát cạnh chén trà nóng, vừa vặn làm người ta hiểu cái sự thiếu đủ ở đời.
Từ tốn ngẫm hậu vị
Chúng tôi cứ thế thưởng trà, mặc thời tiết có quay cuồng vần vũ. Ngoài cửa sổ, mưa lất phất bay trong cái se lạnh của vùng đất cao trên 1.000 mét so với mực nước biển.
Trong căn phòng, người ngồi xếp bằng trên những miếng đệm lót, xung quanh là làn hơi ấm tỏa ra từ tách trà cổ thụ Shan Tuyết thoảng vị núi rừng, sóng sánh màu vàng óng tựa hổ phách.
Nhấp ngụm đầu tiên có vị đắng nhẹ, tới cuống họng thì tỏa hương ngọt ngào. Ấy cũng như cái đắng đầy ý vị trong triết lý nhân sinh. Đời người có bao nhiêu nỗi khổ? Từ đặc tính của trà, trước đắng sau ngọt, mà con người có thể hiểu lấy khổ làm vui, biết hậu vị để từ tốn vượt những gian nan.
Vừa thưởng trà, chúng tôi vừa được nghe về nguồn gốc các loại trà. Mỗi loại ấm tử sa dùng cho từng chất trà riêng biệt. Cách thưởng hương hay chơi vị, cách pha một bình trà ngon, hay văn hóa trà đạo... đều có suy niệm.
Đôi bàn tay thoăn thoắt của trà nương, trong cái chớp sáng bất chợt, chợt hiểu mỗi loại trà có những quy tắc “thưởng” riêng. Chén miệng rộng thì hợp hơn khi uống Hồng Trà. Bạch Hạc mùa hạ có vẻ chát hơn, vào mùa đông xuân thì có màu xanh hơn. Khi rót vào Phổ Nhĩ thì dưới đáy chén thiên mục sẽ trở nên sáng loáng như đôi mắt tinh…
Trà đạo từ lâu là một loại văn hóa “trung gian” để thấu đời, hành đạo. Người ta tu tập trà đạo qua “trà đạo lục sự” gồm: trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm. Cái cốt lõi trong trà đạo chính là “tâm”. Mà cách khai sáng được tâm trà chính là rèn mình trong cái “kỹ”.
Kỹ năng pha trà bắt nguồn từ những việc nhỏ, như nấu nước châm trà. Loại trà nào cần nước ấm 70 độ, loại nào nếu nhiệt độ cao quá thì trà sẽ bị cháy làm mất vị hậu ngọt. Ngay lượng nước, lượng trà trong một lần pha với chiếc tống không quai thế nào cho vừa vặn... cũng cần phải để tâm.
Cứ thế, ngày qua ngày, tháng nối tháng, những công việc ấy dần trở thành một phản xạ cố hữu, bình thản và bình thường. Chính từ thứ tưởng như nhỏ nhặt mà cái “tầm thường” của trà đạo dạy người ta biết tích tiểu thành đại, không chê việc nhỏ.
Tu hành trà đạo chính là tu tâm dưỡng tính, nếm vị đắng mà thấu nhân sinh, tĩnh lặng mà xem biến hóa. Sướng khổ ở đời, tự nhiên hóa hư không.