Một cuốn sách thú vị
Hôm nay 22/4, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghe báo cáo thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm nay tròn 25 năm đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đô thị Hội An là di sản không chỉ riêng của Quảng Nam mà còn là của quốc gia. Những thứ thuộc về và liên quan đến, dù lớn dù nhỏ, dù thành tựu hay tổn thương đều nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng trong nước và quốc tế.
Với vai trò quan trọng của TP.Hội An trong sự phát triển chung của Quảng Nam, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 31/7/2023 xác định xây dựng và phát triển Hội An là thành phố “sinh thái - văn hóa - du lịch”. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này cũng tập trung cụ thể hóa Nghị quyết 31.
Theo quy hoạch, Hội An hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2030, định hướng phát triển đô thị “sinh thái - văn hóa - du lịch” mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng dân tộc, hiện đại và bền vững.
Trong quá trình xây dựng đồ án, điều luôn được lưu ý là huy động sự đóng góp của các nhà khoa học, trí thức của Việt Nam và trên thế giới. Từ trước khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thị dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”.
Bởi vậy, Quảng Nam định hướng quy hoạch phát triển giai đoạn này phải tiếp thu, nghiên cứu các đề tài khoa học, các công trình nghiên cứu về TP.Hội An để tận dụng tối đa tri thức, cũng như giải pháp để thành phố tiếp tục phát triển gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Rất nhiều cuộc họp của chính quyền Hội An và tỉnh trong năm 2023 - 2024 liên quan đến đồ án cho thấy sự thận trọng và kỹ lưỡng.
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, KTS.Ngô Viết Nam Sơn khẳng định, với Hội An, cần thực hiện quy hoạch phát triển thật cẩn trọng để vừa giữ bản sắc đô thị cổ vừa có những tiện ích theo xu hướng đời sống hiện đại. Hội An phát triển trong mối liên kết với Điện Bàn và Đà Nẵng. Vì Hội An là MỘT ĐIỂM ĐẾN, nên tính kết nối 3 khu vực Điện Bàn - Hội An - Đà Nẵng rất quan trọng và cần sớm có tuyến giao thông công cộng hiệu quả.
Kiến trúc sư gợi ý về một tuyến buýt nhanh hoặc xe điện nhẹ và khuyên không nên chọn metro. Ông cho rằng làm metro không hiệu quả với khu vực này ít ra là vài thập niên tới. Vì metro chạy ngang khu vực mật độ dân số rất cao. Trong khi ở đây, điều cần là hướng đến hình thành tuyến du lịch hấp dẫn, nên không cần tốc độ nhanh.
Các nhà ga, các điểm dừng, điểm trung chuyển cũng phải được tính toán đa mục tiêu, lấy kinh tế du lịch song hành với phát triển giao thông giữa Đà Nẵng - Hội An. Khi xây mới các công trình quy mô lớn, tập trung đông người như siêu thị, sân vận động, các công trình đa chức năng... thì phải đưa ra khu vực ngoại thị.
Cũng trong mạch chuyện về triển khai quy hoạch, KTS.Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, về phát triển đô thị, khu dân cư thì hạn chế san lấp mặt bằng tại các khu vực trũng thấp. Ưu tiên phát triển đô thị tại các khu vực có địa hình cao ráo, ít bị ngập lụt và phải thực hiện trong kịch bản chú ý đến biến đổi khí hậu.
Những khu vực nhạy cảm chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu là khu vực phố cổ, cồn bãi trong lòng sông và ven sông, khu vực rừng dừa nước, khu vực ven biển phải đặc biệt chú ý để không làm tổn thương đô thị.
Có thể ví von, Hội An vốn đã là một cuốn sách thú vị. Đồ án quy hoạch cho một đô thị “sinh thái - văn hóa - du lịch” cũng là hướng đến làm sao để Hội An vẫn luôn thú vị trong mắt cư dân bản địa và khách thập phương.
Cư dân vì yêu mà bảo vệ, khách vì yêu mà về Hội An, chứ không đến vì danh hiệu. Những danh hiệu “nhất thế giới” không làm sang hơn cho nơi chốn này.