Quảng Nam xem xét điều chỉnh mức giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế
Dự thảo “Nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế nhưng không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước” sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 22, dự kiến khai mạc ngày mai 23/4.
Bù đắp chi phí dịch vụ khám chữa bệnh
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngày 17/12/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16 về Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) nhà nước.
Tính đến thời điểm này, Nghị quyết số 16 đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh hơn 4 năm và giá dịch vụ KCB quy định tại nghị quyết này được xác định dựa trên chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng (mức cũ).
Thông tư số 21 Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh trong các cơ sở KCB của Nhà nước như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I từ 42.100 - 45.900 đồng; bệnh viện hạng II 37.500 - 41.000 đồng; bệnh viện hạng III 33.200 - 35.800 đồng; bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã 30.100 - 32.700 đồng...
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023, tiền lương theo mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng dẫn đến mức giá dịch vụ KCB quy định tại Nghị quyết số 16 không còn phù hợp, không đảm bảo bù đắp chi phí phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB của Nhà nước.
Ngày 17/11/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 21 quy định khung giá KCB trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.
Khoản 2 Điều 4 thông tư này quy định, HĐND cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ KCB thực hiện tại các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý và quyết định mức giá cụ thể hoặc thực hiện áp giá dịch vụ đối với một số trường hợp…
Do vậy, việc ban hành giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vị thanh toán BHYT (không phải là đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu) thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Điều chỉnh nhiều dịch vụ
Căn cứ quy định và các khung định mức mới, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết quy định mức giá cụ thể cho 10 dịch vụ KCB, 6 dịch vụ ngày giường điều trị, cùng 1.940 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.
Các mức giá dịch vụ KCB đề xuất bằng mức giá tối thiểu mà Thông tư số 21 quy định. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, việc điều chỉnh các mức giá dịch vụ KCB là cần thiết, nhằm đảm bảo bù đắp chi phí cho các cơ sở y tế, đồng thời thay thế Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh nay không còn phù hợp.
Việc xây dựng đề xuất giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán BHYT được xây dựng trên cơ sở tương ứng mức giá tối thiểu quy định tại Thông tư số 21 của Bộ Y tế và không cao hơn giá dịch vụ KCB BHYT tương đương quy định tại Thông tư số 22/2023 của bộ này.
Điều này nhằm đảm bảo đồng giá dịch vụ KCB BHYT và giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán BHYT tại các cơ sở KCB của Nhà nước và đảm bảo khả năng tiếp cận sử dụng dịch vụ của người dân trên phạm vi toàn tỉnh.
Được biết, việc thực hiện áp giá dịch vụ KCB đối với một số trường hợp theo nguyên tắc: Các cơ sở y tế tuyến tỉnh có chức năng KCB; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và KCB đã được xếp hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương.
Đối với các cơ sở KCB chưa được phân hạng và phòng khám đa khoa khu vực sẽ áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Đồng thời quy định này không áp dụng cho dịch vụ KCB theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập; cơ sở KCB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công vay vốn để đầu tư, hợp tác đầu tư; cơ sở KCB đầu tư theo hình thức đối tác công tư...