Áp lực phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2024 khá sớm. Tuy nhiên, liệu có thể đạt kế hoạch giải ngân tốt nhất hay không vẫn là điều chính quyền và cơ quan quản lý lo lắng.
Phân bổ sớm, nhưng giải ngân chưa cao
UBND tỉnh Quảng Nam công bố đã phân bổ hơn 6.244 tỷ đồng trong tổng số gần 6.906 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, bao gồm ngân sách tỉnh hơn 4.156 tỷ đồng (88,2%) và ngân sách trung ương hơn 2.088 tỷ đồng (đạt 95,1%). Kế hoạch vốn này chỉ bằng 89% so kế hoạch vốn năm 2023.
Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa phân bổ khoảng 662,2 tỷ đồng, theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, số vốn chưa phân bổ do chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định. UBND tỉnh sẽ theo dõi, rà soát, tiếp tục phân bổ trong thời gian đến.
Có thể thấy lượng kế hoạch vốn đã phân bổ rất lớn. Các sở chuyên ngành được yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án.
Các cơ quan quản lý kiểm soát năng lực tư vấn, chất lượng hồ sơ, kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu được duyệt.
Các chủ đầu tư được yêu cầu lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, chất lượng, đảm bảo tư vấn hồ sơ không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn không khả quan.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 26/3/2024, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân hơn 629,7 tỷ đồng, đạt 8,9% so với kế hoạch vốn năm 2024 sau điều chỉnh.
Thống kê của Bộ Tài chính, Quảng Nam xếp hạng thứ 57/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp nhất. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chuyện các đơn vị, địa phương thực hiện thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn sang năm 2024 (chưa được chấp thuận), hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán khối lượng.
Các dự án khởi công mới chậm trễ hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gặp vướng mắc trong thủ tục giải ngân dự án...
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, năm 2024 đã loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết. Cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới và phân bổ chi tiết vốn đầu tư khá sớm, đã chuẩn bị đủ các thủ tục, từ danh mục đến thời gian..., nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn không thể đạt tiến độ tốt và nguyên nhân vẫn không có gì mới!
Nhiều áp lực
UBND tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Chính quyền đã ban hành chỉ thị phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công 2024, theo các mốc thời gian cụ thể.
Theo đó, đến hết ngày 30/6/2024, giải ngân hơn 40% (riêng kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài giải ngân sang 2024 đạt 50%); đến 30/9/2024 giải ngân đạt hơn 60% (kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài đạt hơn 70%); đến 31/12/2024 giải ngân đạt hơn 90% (kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài đạt 100%); và đến 31/1/2025, giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói, áp lực giải ngân vốn trong năm 2024 rất lớn. Không chỉ kế hoạch vốn năm 2024 mà kế hoạch vốn kéo dài, nhất là giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ phải nỗ lực hết mình mới có thể đạt được con số khả quan. Cần nâng cao trách nhiệm các chủ đầu tư, có chế tài xử lý đối với những nhà thầu vi phạm hợp đồng, thi công cầm chừng, bỏ thầu...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài từ 2022 sang 2024 rất lớn. Nếu không lên phương án giải ngân cụ thể, theo từng dự án, chương trình một cách cẩn thận thì nguy cơ cuối năm sẽ có nhiều cán bộ bị xử lý trách nhiệm vì không giải ngân hết hoặc để mất vốn.
Có thể thấy, áp lực giải ngân vốn đầu tư năm 2024 rất lớn. Ông Nguyễn Quang Thử cho hay, các chủ đầu tư đã được UBND tỉnh yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án (tháng, quý) gửi về Sở KH-ĐT để theo dõi và giám sát, tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân.
Các cơ quan quản lý (Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh) rà soát, chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2024 sang các dự án có khả năng...
Các chủ đầu tư, địa phương không ai muốn mất vốn. Tất cả đều cam kết “quyết tâm chính trị” sẽ giải ngân hết 100% vốn đầu tư, nhưng nền kinh tế địa phương có dễ dàng hấp thụ vốn vào nền kinh tế hay không khi những vướng mắc của tiến trình đầu tư vẫn chưa thể thào gỡ và thời tiết luôn bất lợi.
Ông Nguyễn Hưng nói, tiến độ giải ngân đầu năm 2024 có xu hướng tốt. Tuy nhiên, số vốn chuyển nguồn rất lớn (khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 60% kế hoạch vốn đầu tư năm 2024). Số vốn này chỉ được phép giải ngân ngay trong năm 2024, nên các chủ đầu tư, địa phương sẽ phải ưu tiên cho việc giải ngân hết vốn các nguồn vốn được phép kéo dài này đã là chuyện vô cùng khó khăn!