Giảm thiểu ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật đến con người và môi trường
(QNO) - Hội thảo tập huấn “Tác động của sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và đốt hở trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung” đặt ra nhiều vấn đề nhằm sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông phẩm.
Hội thảo vừa diễn ra tại TP.Tam Kỳ. Đây là chương trình nằm trong Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại Việt Nam”.
Dự án do Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam thực hiện thông qua Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) với sự tài trợ của Bộ Môi trường, thực phẩm và nông nghiệp Vương quốc Anh (DEFRA).
Tránh lạm dụng thuốc BVTV
Thuốc BVTV mang lại lợi ích rất lớn đối với nền nông nghiệp: diệt sâu bệnh gây hại nhanh, triệt để trên diện rộng, đặc biệt chặn đứng những trận dịch hại trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện. Ngoài ra, đây là biện pháp hóa học đem lại hiệu quả phòng trừ rõ rệt, bảo vệ năng suất cây trồng, dễ ứng dụng rộng rãi, đôi khi là biện pháp phòng trừ duy nhất.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nếu toàn thế giới chi 35 tỷ USD sử dụng thuốc BVTV để diệt trừ các loại sinh vật gây hại, thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 10 lần, tức 350 tỷ USD. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu không có thuốc trừ sâu, tổng sản lượng táo trên toàn thế giới sẽ giảm 86%, cam giảm 77%, dưa chuột và cà rốt giảm lần lượt 66% và 48%.
Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia có danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây trồng đa dạng nhất, với 1.700 hoạt chất và 4.080 sản phẩm thương mại. Thị phần thuốc trừ sâu, diệt côn trùng chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường bán lẻ.
Thuốc BVTV có vai trò rất lớn đối với nền nông nghiệp; tuy nhiên, việc lạm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. PGS-TS. Hoàng Công Tín - Trưởng khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, sau khi phun rải thuốc BVTV, hóa chất sẽ tích tụ trong nông phẩm; phần khác lưu giữ trong môi trường đất, nước, không khí (dư lượng thuốc).
“Nếu dư lượng thuốc BVTV lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái, tạo nên dịch hại. Hơn nữa, có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho người tiếp xúc với hóa chất và sử dụng thực phẩm - nguyên nhân sâu xa dẫn đến các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tổn thương hệ thần kinh, gây vô sinh và sinh con bị dị tật” - PGS-TS. Hoàng Công Tín nói.
Bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng
Một thống kê khác, Việt Nam sử dụng 16,2kg thuốc BVTV trên 1ha đất canh tác, trong khi đó Thái Lan là 8,4kg/ha, Campuchia 2,9kg/ha, Lào 0,1kg/ha. Mỗi năm, nước ta thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì các loại trong khi lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì.
Tuy vậy, việc quản lý sử dụng thuốc BVTV ở người nông dân vẫn còn nhiều bất cập khi không sử dụng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, tùy ý trộn lẫn hỗn hợp, không tuân thủ thời gian cách ly… Đáng chú ý, một bộ phận nhà nông lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, coi trọng lợi nhuận hơn tác động xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV (Maximm Residue Level - viết tắt là MRL) trong thực phẩm có đơn vị tính: mg/kg thực phẩm. Giá trị MRL do cơ quan quản lý tại quốc gia nhập khẩu nông sản quy định với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo công bằng trong các hoạt động thương mại về thực phẩm.
Hiện nước ta không có quy định về điều kiện và quy trình để thiết lập MRL cho thuốc BVTV. Điều này có nghĩa một loại thuốc sau khi được Bộ NN&PTNT cấp phép sử dụng ở Việt Nam sẽ được phép đưa vào lưu thông, sử dụng, nhưng không bị kiểm soát về MRL.
Thẩm quyền thiết lập MRL thuộc về Bộ Y tế, sự tách biệt về cơ quan quản lý và thiếu sót về quy trình thiết lập MRL dẫn đến một bất cập là hiện nay có khoảng 4.900 loại thuốc BVTV và hoạt chất được cấp phép sử dụng nhưng chưa được quy định MRL cụ thể. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm là giải pháp quan trọng để khắc phục những tiêu cực từ việc lạm dụng thuốc BVTV. Nhưng trước mắc phải tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, đại lý thuốc BVTV tiếp cận, nắm rõ nguyên tắc sử dụng nhằm phát huy hiệu quả sản phẩm thuốc BVTV, góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao và phục vụ những thị trường khó tính.
PGS-TS. Lê Văn Thăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, để có thể xây dựng một nền nông nghiệp bền vững ở cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, yêu cầu khách quan đặt ra là hoàn thiện lại bộ máy quản lý nhà nước về thuốc BVTV và thống nhất trong việc cấp phép sử dụng cũng như thiết lập MRL cho các loại thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam.