Chính trị

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản

Q.VIỆT 22/04/2024 17:53

(QNO) - Chiều nay 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

Tham dự có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

iuu.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị ở điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Dự ở điểm cầu Quảng Nam có các đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, những năm qua, ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; xây dựng chuỗi sản xuất thuỷ sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.

iuu3.jpg
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch hành đồng chống khai thác IUU gồm khuyến khích chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản sang nuôi trồng hải sản; có cơ chế, chính sách để các lực lượng kiểm ngư, biên phòng hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển hiệu quả hơn; đầu tư hạ tầng; ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong nghề cá; hợp tác quốc tế; thực hiện các cam kết về Luật biển; quy hoạch, có chiến lược phát triển nghề khai thác hải sản bền vững.

iuu4.jpg
Gỡ "thẻ vàng" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Ảnh; Q.VIỆT

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác IUU. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, cần phải có chính sách để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước đối với quốc tế.

Q.VIỆT