Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật, chiếm 7% GRDP vào năm 2030
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2753 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới.
Theo đó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của Quảng Nam để phát triển công nghệ sinh học phù hợp, hiệu quả, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường, xây dựng…
Mục tiêu của Quảng Nam là đến năm 2030, phát triển công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đóng góp khoảng 7% vào GRDP của tỉnh; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Xây dựng 1 trung tâm công nghệ sinh học cấp tỉnh nhằm gắn nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sinh học, phục vụ bảo tồn các giống cây trồng quý hiếm của tỉnh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông sản an toàn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp sinh học phát triển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng trên 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng. Nền công nghệ sinh học của tỉnh đạt trình độ khá so với trung bình của cả nước; ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong một số ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Phấn đấu đến năm 2045, đưa Quảng Nam thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Công nghiệp sinh học đóng góp khoảng 10 - 15% vào GRDP của tỉnh.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhằm thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới, triển khai thực hiện và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Cùng với đó, chú trọng xây dựng và phát triển nguồn lực cũng như đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học.