Kinh tế tập thể Quảng Nam chờ "cú hích" vốn vay
Thời gian qua, kinh tế tập thể Quảng Nam có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, với khó khăn về tiếp cận tín dụng, các hợp tác xã, tổ hợp tác cần được khơi thông vốn vay để tạo cú hích thúc đẩy phát triển thời gian đến.
Ghi ở một hợp tác xã
Những năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Nam (HTX Bình Nam, Thăng Bình) đã khẳng định được vai trò “bà đỡ” cho nông dân trên địa bàn.
Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Bình Nam cho biết, sau khi được thành lập vào năm 2012, HTX chỉnh trang đồng ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
HTX đã mạnh dạn liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) mở rộng diện tích, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay đã chuyển đổi thành công 200ha trồng đậu phộng từ đất 2 vụ lúa kém hiệu quả và 8ha trồng sen.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 530 HTX, THT và 1 liên hiệp HTX. Kinh tế tập thể đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị sản xuất để tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị kinh tế thu được.
Các HTX, THT tăng giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Nhiều HTX đã tạo được các sản phẩm OCOP nổi bật và chuyển đổi số để thay đổi phương thức quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
HTX Bình Nam đã không ngừng mở rộng mạng lưới cung ứng các dịch vụ nông nghiệp từ đầu vào đến đầu ra. HTX đã đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị khá đầy đủ gồm nhà làm việc, sân phơi, lò sấy, máy cày - cấy - gặt đập liên hợp, xe chuyên chở thu hoạch lúa, đậu, máy gieo hạt, máy lên luống đậu phộng, máy thu hoạch đậu phộng, máy ép dầu công nghệ mới và cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Đối với những nông hộ không có vốn, HTX đầu tư trọn gói từ phân bón, dịch vụ cơ giới hóa, thu mua sản phẩm và thanh toán vào cuối mùa vụ. Do áp dụng toàn bộ cơ giới và đầu tư về phân bón chung nên sản phẩm làm ra chất lượng cao, chi phí giảm, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân.
HTX Bình Nam đã tích tụ ruộng đất, sản xuất được 52,7ha lúa và 40ha đậu phộng bằng 2 hình thức là hợp đồng thuê đất hoặc liên kết sản xuất với nông dân.
HTX cùng nông dân liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình; phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện thực hiện dự án nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với quy mô 50ha trên cây lúa và 30ha trên cây đậu phộng tại các thôn Thái Đông và Nghĩa Hòa.
Người dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống lúa và giống đậu phộng để sản xuất và được hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh dịch hại.
Ông Trần Văn Ninh cho biết, HTX Bình Nam đang có nhu cầu vay vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đem lại lợi nhuận lớn hơn cho HTX và người nông dân. Ông Ninh mong muốn các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục, nhất là xét duyệt phương án vay vốn thật khách quan để được tiếp cận vốn.
Tạo lực đẩy bằng tín dụng
Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ. Đến nay đã giải ngân 35 nghìn tỷ đồng cho các HTX phát triển sản xuất kinh doanh.
Cái khó hiện nay là chưa có tổ hợp tác (THT) hay liên hiệp HTX tiếp cận được vốn vay của ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã áp dụng nhiều giải pháp để thúc đẩy tín dụng vào kinh tế tập thể, tuy nhiên hiện nay là các ngân hàng thương mại đánh giá không cao phương án sản xuất kinh doanh của kinh tế tập thể.
Nhiều HTX, THT, liên hiệp HTX muốn tiếp cận vốn vay để đầu tư nhưng tài sản thế chấp không được các tổ chức tín dụng đánh giá cao. “Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ tiếp tục có giải pháp để khơi thông vốn cho kinh tế tập thể, tạo lực đẩy phát triển ở địa hạt nông nghiệp, nông thôn” - ông Phạm Trọng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, sự phát triển của kinh tế tập thể vẫn đang gặp khó khăn; phục hồi và phát triển của HTX, THT chưa đồng đều, thậm chí một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng, quy mô.
Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc xử lý các HTX ngừng hoạt động lâu ngày. Nhiều HTX chưa chú trọng xây dựng liên kết chuỗi giá trị, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Sở NN&PTNT, các địa phương hỗ trợ các HTX, THT chuyển động cho phù hợp với Luật HTX năm 2023 có hiệu lực từ tháng 7/2024.
Ngành nông nghiệp, các địa phương cần triển khai hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân rộng các HTX, THT phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, tổng dư nợ cho vay kinh tế tập thể của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đến ngày 31/12/2023 hơn 109,878 tỷ đồng.
Hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi của quỹ đã kịp thời hỗ trợ một phần vốn cho kinh tế tập thể sản xuất kinh doanh, tạo lực đẩy phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, cơ cấu nguồn vốn cho vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tập trung chính ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (75,73% dư nợ), các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 24,27%.
“Chúng tôi tiếp tục làm tốt tư vấn, hỗ trợ thực hiện hồ sơ vay vốn cho kinh tế tập thể; hoàn thiện tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ để giải ngân nhanh chóng vốn vay” - ông Trung nói.