Hiệu quả sản xuất từ giống lúa ST25 ở Điện Bàn
(QNO) – Giống lúa hữu cơ ST25 canh tác thí điểm trên cánh đồng Tân Mỹ (phường Điện Minh, Điện Bàn) đang vào vụ mùa thu hoạch cho năng suất, chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng.
Ông Phạm Tuấn – nông dân khối phố Tân Mỹ (phường Điện Minh, Điện Bàn) cho biết, đây là vụ thứ 4 liên tiếp ông làm giống lúa hữu cơ ST25. Giống lúa này nằm trong mô hình thí điểm được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp triển khai trên cánh đồng Tân Mỹ từ vụ hè thu năm 2022.
Tham gia mô hình sản xuất lúa ST25, ngoài được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, ông Tuấn và những hộ dân còn được trung tâm ứng trước giống, phân theo hình thức trả chậm. Đến mùa lúa thu hoạch, ai có nhu cầu bán trung tâm sẽ bao tiêu thu mua ngay tại ruộng.
“Trồng giống lúa ST25 mình không dùng hóa chất hay thuốc trừ sâu, chủ yếu bón phân hữu cơ nên an toàn sức khỏe. Ngoài ra, hàm lượng chất dinh dưỡng của gạo cũng cao, chưa kể khả năng chống chịu nhiễm mặn tốt nên phù hợp với cánh đồng Tân Mỹ; tuy nhiên chỉ có hạn chế nhỏ là hạt nhẹ hơn một số giống lúa khác thôi” - ông Tuấn khẳng định. Vụ đông xuân này, ông Tuấn làm hơn 7 sào lúa ST25, năng suất mỗi sào ước đạt 400kg.
[VIDEO] - Nông dân thu hoạch lúa ST25 tại cánh đồng Tân Mỹ:
Trên cánh đồng Tân Mỹ hiện có khoảng 10 hộ nông dân tham gia trồng thí điểm lúa ST25, tổng diện tích 2,8ha, nhiều người trong số này trồng chủ yếu kiếm gạo sạch ăn hàng ngày. Ông Dương Tấn Trúc – khối phố Tân Mỹ, phường Điện Minh chia sẻ, ngoài mục đích trồng trọt có gạo an toàn, việc tham gia mô hình cũng là cách ông muốn lan tỏa phương pháp sản xuất xanh, sạch đến người nông dân.
“Thói quen lâu nay của bà con là chăm sóc lúa bằng phân vô cơ nên khi chuyển sang phân hữu cơ nhiều người hoài nghi vì sợ hàm lượng phân hữu cơ thấp so với phân vô cơ khiến năng suất lúa không đạt, chưa kể số lượng phân hữu cơ bón mỗi lần cũng nhiều hơn phân vô cơ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây là hàm lượng phân hữu cơ đọng lại rất lâu trong đất, giúp cải tạo đất tơi xốp nên khi mình cày bừa, sạ lúa cũng nhẹ nhàng, đất không bị sượng” - ông Trúc phân tích.
Giống lúa ST25 được viết tắt từ 2 chữ đầu của tên tỉnh Sóc Trăng, nơi giống lúa này được nghiên cứu và sản xuất. Hạt gạo ST25 có hình dáng dài, dẹp, màu trắng trong, ở phần bụng không bị bạc, không bị gãy vụn. Đặc biệt, cơm gạo có mùi thơm của lá dứa và cốm non nên rất được nhiều người ưa thích. Năm 2019, gạo ST25 được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice lần thứ XI do The Rice Trader tổ chức. Đến năm 2020, gạo ST25 giành giải nhì tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới 2020" được tổ chức tại Mỹ. Năm 2023, gạo ST25 một lần nữa giành giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức tại Philippines.
Ông Lê Đắc Quang – Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Minh nhìn nhận, hiệu quả việc trồng lúa ST25 không chỉ ở chất lượng, an toàn mà giá thu mua cũng cao hơn các loại lúa khác. Đặc biệt, với phương pháp canh tác hữu cơ, hạn chế sử dụng phân thuốc vô cơ sẽ giúp cải tạo đất tơi xốp hơn. “Chính vì những yếu tố trên nên chúng tôi luôn khuyến khích bà con trồng lúa ST25, qua đó từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang theo hướng xanh, thân thiện môi trường” - ông Quang nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Lâm – Trưởng phòng Dịch vụ (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân), giá mua lúa ST25 tại ruộng luôn cao hơn giá thị trường khoảng 300 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa ST25 trung tâm mua tại ruộng vào sáng 24/4 là 8.800 đồng/1,2kg (1,2kg lúa tươi tương đương 1kg lúa khô). Bình quân mỗi vụ trung tâm thu mua từ 7-10 tấn lúa ST25 chế biến đưa ra thị trường.
Ông Lâm nói: "Hiện nay, trung tâm đang xây dựng thương hiệu gạo xứ Quảng trên giống ST25 cung ứng ra thị trường nên chúng tôi sẽ thu mua tất cả lúa ST25 của nông dân sau thu hoạch nếu có nhu cầu bán. Tuy nhiên, do mô hình thí điểm trồng lúa ST25 vẫn trong quá trình theo dõi tính hiệu quả nên chưa thể nhân rộng ra nhiều. Ngoài ra, do chưa có đầu ra ổn định nên số lượng gạo ST25 tiêu thụ cũng chỉ ở mức độ”.