Philippines trong "chảo lửa" mùa hè
(QNO) - Người dân tại Philippines - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu đang trải qua mùa hè khắc nghiệt, nhiều nơi lên gần 50 độ C.
Sóng nhiệt kỷ lục
Philippines ghi nhận 6 người tử vong từ đầu năm đến nay liên quan đến nắng nóng gay gắt, cạnh đó học sinh của gần 7.000 trường học phải tạm dừng các lớp học trực tiếp.
Các tháng 3, 4 và 5 thường nóng nhất và khô nhất ở quốc đảo Philippines, nhưng điều kiện thời tiết năm nay càng trở nên khốc liệt hơn vì biến đổi khí hậu cộng hiện tượng thời tiết El Nino.
Ông Erlin Tumaron (60 tuổi) làm việc tại khu nghỉ dưỡng ven biển ở tỉnh Cavite, phía nam Manila - nơi chỉ số nhiệt lên tới 47 độ C trong những ngày qua nói: "Trời nóng đến mức không thể thở được. Thật ngạc nhiên là hồ bơi của chúng tôi vẫn không có người. Bạn có thể mong đợi mọi người đến bơi giải nhiệt nhưng có vẻ như họ không muốn rời khỏi nhà vì nắng nóng như thiêu đốt".
Cơ quan dự báo thời tiết Philippines cho biết chỉ số nhiệt độ vừa đạt mức nguy hiểm từ 42 độ C trở lên ở ít nhất tại 30 thành phố và đô thị.
Như khu đô thị phía bắc Aparri đối phó sóng nhiệt 48 độ C vào ngày 23/4 vừa qua, hiện giảm xuống còn 45 độ C. Khoảng một nửa số tỉnh của Philippines đang đối phó với hạn hán.
Trong khi đó, chuyên gia thời tiết Ana Solis dự báo nhiều khu vực tại Philippines tiếp tục hứng chịu nắng nóng gia tăng trong những ngày tới. "Chúng ta cần hạn chế thời gian ngoài trời, uống nhiều nước, mang theo dù và mũ khi ra ngoài" - bà Ana Solis nói.
Thế giới thiệt hại nặng do biến đổi khí hậu
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hiệp quốc cho biết nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, cao hơn khoảng 2 độ C so với mức trung bình từ năm 1961 đến 1990.
Trong đó, châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng, nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.
Ngày 17/4 vừa qua, báo cáo của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam do Chính phủ Đức tài trợ cho thấy thiệt hại toàn cầu đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính khoảng 38 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.
Thậm chí, số thiệt hại này gần như chắc chắn sẽ tăng lên khi hoạt động của con người thải ra nhiều khí nhà kính hơn.
Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) thống kê, khoảng 243 triệu trẻ em ở châu Á và Thái Bình Dương sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài và nóng hơn trong những tháng tới. Trẻ em đặc biệt dễ bị say nắng và việc tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập.