Công đoàn Quảng Nam kết nối doanh nghiệp, hướng về công nhân
Tháng công nhân 2024 sẽ được công đoàn các cấp triển khai trong tháng 5/2024 với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”. Công nhân lao động là chủ thể được hướng tới bằng nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Người lao động là vốn quý
Công Ty TNHH Sasaki Shoko Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại giỏ lưới, sản phẩm phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản.
Với công ty này, việc tuân thủ, đảm bảo mọi quy định của pháp luật đối với công nhân lao động (CNLĐ) là nguyên tắc hoạt động tạo được sự phát triển bền vững.
Làm việc tại công ty đã trên 3 năm, chị Mai Thị Tuyết Phượng cho biết mỗi CNLĐ trước khi vào công ty đều được tìm hiểu kỹ về quy định, nội dung, chế độ làm việc, mức lương thưởng và các chế độ đãi ngộ khác.
Chị Phượng nói: “Ở công ty, việc tuân thủ nghiêm nội quy làm việc là một tiêu chí cứng đối với mỗi người lao động. Tôi được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như găng tay, giày, áo quần.
Trong quá trình làm việc, nếu CNLĐ bị mệt thì được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tại phòng y tế của công ty, nếu nặng hơn sẽ có xe chuyển tới bệnh viện gần nhất. Công ty cũng chăm lo chế độ cho CNLĐ tốt, đầy đủ theo quy định, kể cả tổ chức hoạt động thể thao giải trí lành mạnh”.
Chăm lo thiết thực
Hoạt động chăm lo cho đời sống CNLĐ được mỗi đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thường xuyên, trong đó cao điểm nhất là vào tháng 5. Theo ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, trong Tháng công nhân 2024, chủ đề chính là “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”.
Ông Quang cho biết: “Công đoàn các cấp từ tỉnh đến cơ sở sẽ tổ chức đa dạng hoạt động chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động, thực hiện tốt chương trình phúc lợi đoàn viên.
Phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng và thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, nòng cốt là “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, tỉnh, ngành và của đất nước”.
Từ tỉnh đến cơ sở, công đoàn các cấp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động bằng hàng loạt nội dung như đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Những cuộc đối thoại sẽ được tổ chức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề liên quan đến quyền lợi của CNLĐ, nhất là người trực tiếp sản xuất.
Đặc biệt quan tâm đến những vấn đề bức xúc trong dư luận, kịp thời tham gia với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định tư tưởng trong CNLĐ, góp phần xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định tại các doanh nghiệp.
Việc thương lượng, ký kết mới thỏa ước lao động tập thể, bổ sung các bản thỏa ước lao động tập thể quá thời hạn hoặc chưa đúng quy định theo hướng có lợi hơn cho người lao động sẽ được giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Đồng thời tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, tập trung là việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các chế độ, chính sách đối với lao động về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Công đoàn các cấp cũng sẽ thăm hỏi, động viên, giúp đỡ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động nặng, bệnh nghề nghiệp.