Khởi nghiệp xứ Quảng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Vòng chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm nay hội tụ 65 dự án đã trải qua 2 vòng loại. Phần lớn các dự án khởi nghiệp đều có tính khả thi cao, đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tăng tính đổi mới sáng tạo.
Sát với thị trường
Tại vòng chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2024, chị Hồ Thị Thúy Ngân (thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My) tham gia với Dự án nâng tầm giá trị nông sản và dược liệu (gạo đỏ và đẳng sâm) từ sản phẩm thanh gạo lứt đẳng sâm.
Chị Ngân đã kinh doanh trong lĩnh vực dược liệu vùng cao nhiều năm nay với các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như rượu, trà, sâm ngâm mật ong và các loại trà thảo dược. Vừa qua, để nâng cao giá trị thương mại cho các sản phẩm dược liệu, chị Ngân đã nghiên cứu chế biến sâu sản phẩm thanh gạo lứt đẳng sâm, một loại thực phẩm dành cho người ăn kiêng. Dù mới ra mắt nhưng sản phẩm này đã được thị trường đón nhận.
[VIDEO] - Chủ dự án khởi nghiệp dự thi chia sẻ:
“Khi tiếp đón khách, người Xê Đăng có văn hóa mời các loại nông sản nhà làm, trước đây là gạo lứt rang, uống với nước lá rừng. Tôi làm thanh gạo lứt đẳng sâm này cũng xuất phát từ văn hóa đó. Đồng thời, kết hợp dược liệu đẳng sâm vào để tăng hương vị, dưỡng chất và khẳng định đặc trưng riêng của Nam Trà My” - chị Ngân nói.
Tạo ấn tượng tại cuộc thi, anh Hà Nhật Ánh (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) đã tạo sự bất ngờ cho ban giám khảo và các thí sinh khi khởi nghiệp với ứng dụng LACO - một phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh có các tính năng giao đồ ăn, xe ôm công nghệ, tài xế lái hộ và kết nối điểm đến. Đây là dự án có sự đột phá về tính năng công nghệ, ứng dụng đã được triển khai từ năm 2023, được người dân Tam Kỳ và một số địa phương lân cận sử dụng rộng rãi vì sự tiện ích.
“LACO đến với cuộc thi khởi nghiệp nhằm lắng nghe những đóng góp từ ban giám khảo cũng như các thí sinh khác. LACO sẽ hoàn thiện chỉn chu dự án trước khi xâm nhập các thị trường lớn hơn ở TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội trong thời gian tới” - anh Ánh chia sẻ.
Tiệm cận dự án tầm quốc gia
Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2024 được tổ chức dựa trên Quyết định 802 của UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng đánh giá, công nhận và khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 2024.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh làm Chủ tịch hội đồng. Sau 2 vòng sơ tuyển và chấm chọn hồ sơ tại cấp địa phương và các ban ngành đoàn thể với hơn 300 hồ sơ, vòng chung kết cuộc thi được diễn ra tại Trường Cao đẳng Quảng Nam từ ngày 25 - 27/4.
Có tổng số 65 dự án tham dự, được chia làm 6 nhóm lĩnh vực: thực phẩm; nông nghiệp (bao gồm dược liệu, vật liệu, cây trồng, phân bón,...); sản xuất xà phòng, mỹ phẩm, dược phẩm; du lịch, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ; năng lượng, xây dựng, thiết bị, tự động hóa; công nghệ thông tin - truyền thông.
Những dự án được ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh chiếm hơn 70%, trong đó có dự án LACO, CEPC AI, ATM thu rác, SCMP - thiết bị điều khiển - giám sát bảo vệ máy bơm nước thông minh...
[VIDEO] - Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh làm Chủ tịch hội đồng đánh giá, công nhận và khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 2024:
Ông Phạm Ngọc Sinh cho biết, qua 5 lần tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, năm nay, điểm nổi bật là những dự án đã có dấu hiệu tiệm cận với các dự án khởi nghiệp mang tầm quốc gia, quốc tế; trong đó, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và kinh doanh.
Nếu như trước đây, các dự án khởi nghiệp đơn thuần là qua sơ chế nông sản, sau đó đóng gói, bán ra thị trường, thì nay tính sáng tạo được đề cao hơn. Các dự án biết cách giải quyết yêu cầu của thị trường và khách hàng bằng việc tạo ra những sản phẩm phù hợp, khác biệt nhờ ứng dụng công nghệ, chế biến sâu các sản phẩm.
“Bên cạnh đó, số lượng các dự án thiên về công nghệ, AI ứng dụng vào cuộc sống năm nay có sự tăng trưởng về số lượng. Trong đó những dự án có tính khả thi cao như ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa vào quá trình xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ, hay dự án chủ động nguồn điện và nước sạch ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và dự án thế kế, chế tạo và thương mại thiết bị điều khiển máy bơm nước thông minh...
Tất nhiên, các dự án chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, cụ thể hóa ý tưởng, nhưng nếu được đầu tư một cách chỉn chu, bài bản từ khâu nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chúng tôi chắc chắn các bạn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tích cực” - ông Sinh khẳng định.