Tuần lễ Tiêm chủng thế giới 2024 (24 - 30/4)Vắc xin cứu sống 154 triệu người
(QNO) - Những nỗ lực tiêm chủng toàn cầu cứu sống khoảng 154 triệu người gồm 101 triệu trẻ sơ sinh trong vòng 50 năm qua.
Nghiên cứu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet vào ngày 24/4 vừa qua cho biết, vắc xin cứu sống trung bình khoảng 6 sinh mạng mỗi phút mỗi năm trên toàn cầu trong vòng 50 năm qua.
Cụ thể, việc triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa 14 loại bệnh (bạch hầu, vi khuẩn Hib loại B, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, sởi, viêm màng não A, ho gà, nhiễm phế cầu khuẩn, bại liệt, tiêu chảy cấp rotavirus, rubella, uốn ván, lao và sốt vàng da) trực tiếp góp phần giảm 40% tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn cầu.
Đặc biệt, 94 triệu trong số 154 triệu sinh mạng được cứu kể từ năm 1974 là nhờ vắc xin sởi. Tuy nhiên, vẫn còn 33 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc xin sởi vào năm 2022 gồm 22 triệu trẻ em bỏ lỡ liều đầu tiên, 11 triệu trẻ em bỏ lỡ mũi 2 trong khi cần có độ bao phủ từ 95% trở lên với 2 liều vắc xin phòng sởi để bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh.
Tính tổng quát, theo WHO, thế giới cần đẩy nhanh nỗ lực tiếp cận 67 triệu trẻ em bỏ lỡ một hoặc nhiều loại vắc xin do đại dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: "Vắc xin là một trong những phát minh mạnh mẽ nhất trong lịch sử, khiến những căn bệnh từng đáng sợ có thể phòng ngừa được. Với sự phát triển gần đây của vắc xin chống lại các bệnh như sốt rét và ung thư cổ tử cung, chúng ta đang đẩy lùi ranh giới của bệnh tật. Việc tiếp tục nghiên cứu, đầu tư và hợp tác, chúng ta có thể cứu sống thêm hàng triệu người hôm nay và trong 50 năm tới".
Như vậy, WHO phân tích toàn diện về tác động của 14 loại vắc xin trên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI) - chương trình sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập vào tháng 5 tới.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Một đứa trẻ sinh ra ngày nay có khả năng sống sót và phát triển sau 5 tuổi cao hơn 40% so với một đứa trẻ sinh ra cách đây 50 năm".
Để tăng cường độ bao phủ tiêm chủng, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) mua hơn 2 tỷ liều vắc xin mỗi năm để tiếp cận gần một nửa số trẻ em trên thế giới, đảm bảo ngay cả cộng đồng vùng sâu, vùng xa và chưa được phục vụ đầy đủ cũng có thể tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng.
Năm 2000, GAVI - Liên minh vắc xin bao gồm WHO, UNICEF và Quỹ Bill & Melinda Gates được thành lập để mở rộng tác động của EPI và giúp các nước nghèo nhất trên thế giới tăng cường độ bao phủ, hưởng lợi từ vắc xin mới, cứu sống và mở rộng phạm vi bảo vệ chống lại ngày càng nhiều bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin.
Tiến sĩ Chris Elias - Chủ tịch Bộ phận Phát triển toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates nói: "Chúng ta không thể để sự tiến bộ đáng kinh ngạc này bị chùn bước. Bằng cách tiếp tục đầu tư vào tiêm chủng, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi trẻ em - và mọi người - đều có cơ hội sống một cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích".