Góc suy ngẫm

Nóng, lo chuyện… nước

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/04/2024 14:20

Nước, là thứ giản dị đời thường như thơ Nguyễn Khoa Điềm mô tả: “Đất là nơi anh đến trường. Nước là nơi em tắm”.

Nhưng khi nước thành chuyện lớn nước non thì đó là nơi tâm hồn neo lại: “Đất là nơi Chim về. Nước là nơi Rồng ở”.

Chuyện nước, vì thế ai cũng quan tâm, nhất là khi cái nóng trở nên hầm hập.

Nóng, là công cuộc “đốt lò” vẫn rừng rực lửa và củi, củi khô hay củi tươi đều cháy!

Nóng, là việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhiều lĩnh vực trì trệ, giải ngân vốn đầu tư ì ạch mà vật giá lại leo thang, vàng “nhảy múa” trên đỉnh kỷ lục!

Nóng, không chỉ là chuyện quốc gia đại sự của nước non mà còn do trời quá nóng bức, thời tiết cực đoan, khô hạn diễn ra trên diện rộng. Đó là chuyện nước uống, nước sinh hoạt, nước tưới,… đang là nỗi lo, không chỉ ở vùng đất rộng lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn ở nhiều tỉnh thành, như Quảng Nam.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch (số 2894) triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024.

Dĩ nhiên đây là việc “hưởng ứng” thường niên và có thời đoạn, từ 29/4 đến 6/5, nhưng để giải cơn khát vì nắng nóng của đất đai và con người khi đối mặt biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan sẽ phải là công cuộc dài hơi.

Do vậy, Kế hoạch 2894 cũng đã xác định triển khai các hoạt động không chỉ một sớm một chiều là xong, như “xây dựng, quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo đảm cấp nước bền vững và an toàn; kiểm tra, xử lý đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt”.

Và rõ ràng, có chuyện phải ứng phó cấp bách, nhưng có vấn đề phải làm thường xuyên, đầu tư lâu dài là thực hiện cấp nước an toàn, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, chủ động triển khai các giải pháp cấp nước, thu trữ nước an toàn để đảm bảo đủ nước sạch cho người dân, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó nhiều khu đô thị đông dân và ngày càng phình ra thì nhu cầu cung cấp nước càng trở nên nóng bỏng.

Không chỉ là nước uống và sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất kinh doanh cũng đang là vấn đề nóng của xứ Quảng và nhiều tỉnh thành.
Sát cạnh là Đà Nẵng, trước những dự báo nắng nóng có thể lập đỉnh kỷ lục thì bài toán đau đầu nhiều năm vẫn là tìm giải pháp căn cơ để chủ động vừa cấp nước đủ cho phục vụ người dân vừa cung ứng cho hoạt động dịch vụ du lịch, các khách sạn, nhà hàng, nước làm mát ở các nhà máy, các công trình xây dựng…

Còn nhiều vùng đất hừng hực nắng lửa của xứ Quảng cũng treo nỗi lo nước cho vụ lúa hè thu; đặc biệt là cây trồng ở vùng trung du, từ cây ăn quả nhà vườn đến những nương rẫy trồng màu, rau đậu...

Những chương trình dài hơi về giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước, về tiết kiệm nước trong sinh hoạt và cả giải pháp tưới tiết kiệm trong trồng trọt, về chuyển đổi qua cây trồng cạn chịu hạn… chưa bao giờ là chuyện cũ với Quảng Nam và nhiều vùng trong cả nước.

Như đứng trước cơn hạn lịch sử của Đồng bằng sông Cửu Long, quá nhiều người không chỉ trông mong biện pháp hỗ trợ ứng phó cấp bách từ Chính phủ, các bộ ngành, mà còn hiến kế đề xuất các phương án lâu dài để tồn tại, thích ứng khi hệ thống Mê Kông bị cắt khúc, chia mảnh, mạnh ai nấy giành nguồn nước.

Giải pháp gì thì sự bền vững lâu dài cho nước, ở cả hai nghĩa đời thường và chuyện nước non, cũng đều phải dựa vào và tạo ra “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”.

Trời bớt nóng đi, cho mưa xuống là tươi nhuần vạn vật.

Đất bớt đi cày xới cạn kiệt và được dưỡng sức, tái tạo phù sa, sẽ lại lên xanh.

Người bớt tham sân si sẽ vì đại cuộc mà hòa khí dựng xây đất nước vậy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM