Giảm nhiệt cho đô thị
Nhiệt độ liên tục tăng kỷ lục đẩy các địa phương luôn trong tình trạng cảnh báo nắng nóng. Ở đô thị, hiện tượng đảo nhiệt càng gay gắt hơn bởi các hoạt động của con người trong không gian sống ít cây xanh.
Hiện tượng đảo nhiệt đô thị
Đảo nhiệt đô thị là hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm của thành phố hay chênh lệch giữa nhiệt độ của đô thị lõi với khu vực ngoại ô, nông thôn xung quanh.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng loạt yếu tố góp phần vào đảo nhiệt đô thị. Từ sự biến mất của cảnh quan thiên nhiên, tính chất của vật liệu xây dựng, quy hoạch xây dựng không phù hợp với thời tiết và địa lý địa phương cho đến các hoạt động của con người là căn nguyên để hiện tượng này ngày càng mạnh mẽ.
Nói cụ thể hơn, khi tốc độ đô thị hóa cao, xuất hiện nhiều tòa nhà cao tầng cũng như sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít ỏi, thì hiện tượng đảo nhiệt đô thị còn mạnh hơn.
Tại Quảng Nam, nắng nóng ngày càng gay gắt. Chỉ mới những tháng đầu năm, nền nhiệt độ trung bình đã lên đến 37 độ C.
Trung tâm Khí tượng thủy văn cho biết, do ảnh hưởng của rãnh thấp nối với áp thấp phía tây phát triển và mở rộng về phía đông nam, nên các địa phương Quảng Nam đã xuất hiện đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C, độ ẩm thấp nhất xuống 48%. Trong các ngày gần đây, nhiệt độ đo được tại TP.Tam Kỳ có khi lên đến 38 độ.
Và nắng nóng vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2024, các nhà khí tượng cho biết, hiện tượng ENSO (El Niño-Southern Oscillation) - một hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu trên toàn cầu, đang có những biểu hiện dị thường về cường độ và chu kỳ xuất hiện.
Dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2024, với xác suất từ 80-90%. Trên địa bàn tỉnh, từ tháng 4, nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ và có khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt nhiều hơn.
Tăng diện tích cây xanh
UNEP cho biết, hiện có 5 nhóm chính sách lớn liên quan đến làm mát đô thị, bao gồm: biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, năng lượng, phát triển nhà ở và phát triển khoa học công nghệ.
Ở quy mô đô thị, các giải pháp chống nóng cần được lồng ghép ngay từ khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng và thiết kế đô thị, tập trung vào giảm nhiệt ở phạm vi khu vực, giải pháp dựa vào tự nhiên.
Cuối năm 2023, trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết làm mát toàn cầu. Cam kết đưa ra mục tiêu, lĩnh vực làm mát toàn cầu phải giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm góp phần giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.
Đầu năm nay, TP.Tam Kỳ cùng TP.Cần Thơ đồng thời triển khai dự án “Thực hiện làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu tại khu vực đô thị ở Việt Nam”.
Đây là dự án nằm trong Chương trình hợp tác làm mát bền vững được thực hiện thông qua UNEP và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu.
Chương trình hợp tác đã lựa chọn 2 lĩnh vực ưu tiên là giảm nhẹ - thúc đẩy việc sử dụng phương pháp làm mát đô thị thân thiện với khí hậu các-bon thấp để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng - xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung.
Các dự án làm tại Tam Kỳ sẽ đi theo từng hợp phần. UNEP đã đưa ra danh mục các dự án tiềm năng sẽ tham gia chương trình “làm mát Tam Kỳ” như khu trung tâm truyền thống phường An Mỹ, phường An Xuân, khu đô thị An Phú (The Trident City), khách sạn Bàn Thạch...
Tăng diện tích cây xanh cũng là giải pháp để “giảm nhiệt” cho nắng nóng ở đô thị. TP.Tam Kỳ dự kiến sẽ có tổng diện tích cây xanh hơn 242ha với gần 800 nghìn cây.
Trong khi đó, tại TP.Hội An, địa phương này chủ trương đối với các khu đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì kiên quyết sử dụng xây dựng công viên, cây xanh. Mới đây, Hội An đã triển khai cải tạo một phần sân vận động thành công viên cây xanh, tạo thêm điểm dừng chân cho du khách.
Mặt nước và cây xanh... mới là những yếu tố bền vững để giảm sức nóng cho thành phố.