Về nơi Cao Ngạn thành đồng…
“Trên núi rừng La Nga Cao Ngạn/ Sớm mai nắng trải ven đồi (Trích ca khúc “Hồ La Nga Cao Ngạn” - nhạc sĩ Hoàng Bích). Chúng tôi đi theo câu hát ngợi ca về tình yêu, lòng hăng say lao động trên công trình thủy lợi hồ La Nga Cao Ngạn (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình), về thăm quê hương Cao Ngạn thành đồng.
Theo câu hát yêu thương
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - người viết nên ca khúc “Hồ La Nga Cao Ngạn” để lại dấu đậm nét trong lòng người dân Thăng Bình nói riêng và Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung.
Ông kể, mình viết “Hồ La Nga Cao Ngạn” vào những ngày mùa xuân năm 1976, lúc đang khởi công xây dựng hồ. Là một người con của đất Thăng Bình, bước ra từ chiến tranh khói lửa, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ địa phương, nhạc sĩ rất xúc động khi chứng kiến khung cảnh lao động hăng say của những người xây dựng hồ. Nhạc sĩ Hoàng Bích nói, “Hồ La Nga Cao Ngạn” chính là bài hát ông viết nhanh nhất, dạt dào nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình…
Tròn 48 năm bài hát ra đời, trở lại La Nga Cao Ngạn lần này, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích vẫn cứ bồi hồi xúc động như thuở nào. Cao Ngạn bây giờ, là cánh đồng tràn ngập hương lúa và hoa màu. Bầu không khí trong lành, thư thái trên những con đường chạy quanh co bên sườn đồi đầy hoa lá, cỏ dại.
Cao Ngạn vẫn còn đó những vướng mắc cần được tháo gỡ. Hệ thống intenet chưa đến được nơi này, đường giao thông từ trung tâm thôn đến các di tích lịch sử cách mạng chưa được đầu tư, gây khó khăn cho việc tìm về “địa chỉ đỏ”. Trong thôn hiện chỉ phần lớn người lớn tuổi, người già sinh sống... Đây cũng là cái khó để đưa Cao Ngạn vươn xa hơn trong tâm thế một thôn văn hóa kiểu mẫu.
Đi trên mặt đập, phóng tầm mắt nhìn về phía núi, một sự bình yên đến khó tả. Xa xa trong lòng hồ, vài con thuyền nhỏ đang thong dong đánh cá - những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống cần lao sông núi La Nga Cao Ngạn. Đứng ở vị trí đầu làng, phóng tầm mắt về phía trước, là những chân ruộng bậc thang trông như một miền “Tây Bắc thu nhỏ”.
Và càng xúc động hơn khi gặp lại những người từng góp công sức để xây dựng hồ mấy chục năm trước như ông Đội, ông Được, ông Xuân… Lão nông Nguyễn Đội, đã bước qua tuổi 70, từng tham gia xây hồ Cao Ngạn năm xưa, tình cờ gặp nhạc sĩ Hoàng Bích giữa đất trời Cao Ngạn, bỗng cất lời ca lưu luyến: “Trên núi rừng La Nga hoa nở/ Sắc hương ngát tỏa trăm miền/ Rừng quê ta bao nguồn vui mới/ Mà dạt dào đồng quê xanh tươi”.
Vẹn nguyên Cao Ngạn Thành đồng
Ông Nguyễn Phước Kỳ, Bí thư chi bộ thôn Cao Ngạn đưa chúng tôi đi trên những con đường bê tông chạy men theo đồi núi. Cao Ngạn bây giờ đã có nhiều thay đổi. Toàn thôn hiện có 224 nhân khẩu với 40 nóc nhà và 56 hộ gia đình. So với thời chiến tranh, đây là những con số đáng quý!
Ngày ấy, Cao Ngạn là vùng đất “ngày địch, đêm ta”, bao bọc bởi núi đồi hiểm trở. Đồn lũy Chóp Chài giương họng súng luôn chực chờ hủy diệt 20 hộ gia đình trụ bám, làm cơ sở cách mạng.
Nơi đây chính là căn cứ đóng chân của Huyện ủy Thăng Bình, cũng là nơi Quân khu V xây dựng chiến khu Lê Lợi, là nơi tăng gia sản xuất của Đại đội 2, Tiểu đoàn 108.
Mảnh đất này đã từng chứng kiến biết bao trận đánh ác liệt giữa đôi bên. Nhờ vào địa thế hiểm trở, rừng sâu, hang đá… lực lượng ta ngày rút vào bí mật, đêm về cơ sở, kiên cường trụ bám, chiến đấu, gìn giữ từng tấc đất, xóm làng cho đến ngày hoàn toàn giải phóng.
Từ sự kiên cường ấy, năm 1960, Cao Ngạn được Đảng và nhà nước phong tặng bốn chữ “Cao Ngạn Thành Đồng”.
Dấu tích của một thời oanh liệt ấy giờ vẫn còn hiện hữu rõ qua những gì lưu lại đất này, như khu di tích Vườn Vông, di tích cấp tỉnh nhà mẹ Ung Thị Du...
Sau chiến tranh, Cao Ngạn là vùng khó khăn nhất của xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình. Mọi điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng dường như là điểm “trắng” ở nơi này. Vậy mà người dân Cao Ngạn vẫn cứ bám trụ, ở lại với làng không rời nửa bước, cùng bắt tay làm lại từ đầu.
Từ niềm tin cùng tinh thần hăng say lao động, tình đoàn kết xóm làng, Cao Ngạn có một diện mạo khác. Có lẽ, cũng từ sự đoàn kết này, người dân Cao Ngạn cùng nhân dân Bình Lãnh mấy chục năm trước, đã đồng lòng để xây đập thủy lợi La Nga Cao Ngạn, gìn giữ nguồn nước từ đó đến bây giờ.
Đường làng, ngõ xóm khang trang, đời sống tinh thần người dân nâng lên đáng kể. Năm 2022, Cao Ngạn được công nhận thôn văn hóa kiểu mẫu. Để thấy, nếu không có tinh thần đoàn kết, có lẽ sự sống xanh tươi khó có thể trở lại mạnh mẽ trên mảnh đất này.
Trên những con đường làng Cao Ngạn, gặp cư dân nào ở đây, họ cũng nở nụ cười thân thiện, lời chào đằm thắm, lời mời ghé thăm nhà. Ly nước lá mùng năm thơm ngát hương đồi, giữa nơi chốn yên bình, thân thiện…