Khởi nghiệp - OCOP

Khởi nghiệp rau rừng từ duyên thiện nguyện

VĨ CẦM 29/04/2024 08:29

Sinh ra ở Quế Sơn, làm rau ở Nam Trà My và bán rau tận... Đà Nẵng, Nguyễn Phước Tây (sinh năm 1993) từng ngày một làm nên hướng đi cho riêng mình.

nguyen-phuoc-tay-1.jpg
Anh Nguyễn Phước Tây đang chăm bẵm vườn rau rừng mà anh đầu tư, kinh doanh.

Chuyện “làm dâu trăm họ”

Bà con Lộc Thượng (xã Quế Hiệp, Quế Sơn), vẫn cứ tiếc nuối tấm bằng đại học cất tủ của Nguyễn Phước Tây. Trong mắt họ, chuyện người thanh niên trẻ Nguyễn Phước Tây quyết định cất tấm bằng đại học vào ngăn tủ, rồi khăn gói lên núi trồng rau, có gì đó… “sai sai”.

“Vì sao tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học Khoa học Huế) hẳn hoi, nhưng anh lại không theo ngành nghề đang “hot” này, mà lại chọn hướng đi kinh doanh rau rừng?” - tôi hỏi Nguyễn Phước Tây.

“Thực ra chẳng gì phải lạ cả. Cũng như các bạn trẻ khác, sau khi ra trường, tôi đã thử sức với công nghệ thông tin từ công ty thiết kế quảng cáo đến công ty bất động sản… Nhưng tôi nhận ra, mình thích đi nhiều hơn. Tôi trải nghiệm “đã đời” những công việc văn phòng và máy tính ở Đà Nẵng rồi chạy vào Nha Trang (Khánh Hòa) làm cả Youtuber. Nhưng, nơi nào cũng thấy... không phù hợp. Có lẽ vì thế mà tôi muốn “cởi trói” cho cuộc đời mình bằng một hướng đi khác”, anh Tây trải lòng.

Nếu nói “người chọn nghề” hay “nghề chọn người”, thì Nguyễn Phước Tây thuộc trường hợp thứ hai. Con đường đến với nghề kinh doanh rau rừng của anh kể ra rất lạ, tựa như duyên ngộ vậy.
Ngược thời gian chừng 3 năm trước, Tây tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng nhiều nhóm bạn trẻ tại Nam Trà My. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là đi lang thang với mọi người rồi chung tay cùng họ làm những việc có ích cho trẻ con, đồng bào ở đây” - Tây nói.
Khó kể hết được bao nhiêu cảnh ngộ của trẻ em miền núi huyện Nam Trà My được anh kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ… Chỉ cần lướt qua trang cá nhân của Tây, sẽ thấy có hàng trăm bức hình từ những hoạt động mà anh tham gia.

nguyen-phuoc-tay-3.jpg
Trước khi đến với nghề kinh doanh rau rừng, anh Tây miệt mài làm thiện nguyện.

Hình thức mà anh “gieo thiện” cũng khá đa dạng. Bất kể thứ gì trẻ em miền núi thiếu thốn, trong khả năng của mình, anh đều kêu gọi, kết nối ủng hộ, giúp đỡ. Đó là những chiếc bóng đèn năng lượng, mái vòm sân trường học, dụng cụ lao động, thực phẩm, quần áo…
“Làm như thế nào, kết quả ra sao, tôi đều đăng trên trang cá nhân của mình. Không phải để kể mà để những người hỗ trợ mình từ tài chính đến hiện vật, thậm chí kết nối để mình gặp các nhà hảo tâm khác, họ biết kết quả công việc mình làm” - anh Tây chia sẻ. Với anh, việc giúp người không hề dễ dàng như người đời vẫn nghĩ, mà gắn với câu chuyện “làm dâu trăm họ”. Mọi thứ đôi khi không đơn giản là chỉ cần mình mở lòng với đời. Tất cả các bước từ kêu gọi, tiền bạc đến phân phát quà cáp… đều phải được thực hiện một cách minh bạch, công khai, nếu không rất dễ bị điều tiếng.

Có lần, anh chở khoảng 60kg hàng từ thiện bằng xe máy lên bản làng. Đang di chuyển trên con đường đầy đất sét thì chiếc xe cà tàng bị lún sâu xuống bãi sình, chết máy.

“Hôm đó là buổi trưa, cả cung đường không có ai đi lại. Tôi phải ngồi đợi đến 3h chiều mới có một người đồng bào dân tộc đi ngang qua, đẩy xe lên giúp. Xe không đi được nữa, tôi phải cõng hàng lên núi. Đến nơi thì đã 7h tối”, anh Tây nhớ lại.

Hỏi tại sao lại chọn trẻ em miền núi là đối tượng để “trợ duyên” trong hành trình “cho đi” của mình, anh Tây thổ lộ: “Tôi thích trẻ con miền núi vì chúng rất hồn nhiên, ngây ngô. Hơn nữa, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, các em thiếu thốn nhiều thứ, nên mọi sự giúp đỡ, sẻ chia đều rất quý. Những bộ quần áo hay suất ăn trưa tuy không đáng là gì, nhưng ít nhiều cũng tạo được chút niềm vui cho các em trên con đường cắp sách đến trường, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp trong tương lai. Nhìn cảnh chúng quấn quýt nhau cùng những món quà nhận được mà mình cũng vui lây”.

Rau rừng xuống phố

Lý do để “bén duyên” với rau rừng của Nguyễn Phước Tây cũng thật lạ lùng. Nó bắt đầu bằng một bữa đi từ thiện, sau khi phát quà gần xong cho một nhóm trẻ em, Tây bắt gặp một em nhỏ đang gùi rau đi lòng vòng quanh làng bán lẻ.

nguyen-phuoc-tay-2.jpg
Hoạt động thiện nguyện và kinh doanh rau rừng mà anh Tây trải qua có thể xem như một sự kết hợp hoàn hảo.

“Chẳng hiểu thế nào mà tôi lại bị cuốn hút trước hình ảnh đó. Những ngày sau, trong đầu tôi cứ bật lên ý tưởng, tại sao mình không thử thu gom loại rau này đem về thành phố bán?”. Và rồi, anh quyết tâm hiện thực bằng được ý tưởng đó.

Vấn đề đầu tiên phải làm là “xây dựng” đầu ra. Nguyễn Phước Tây tìm đến khắp nhà hàng, quán xá, các chợ ở TP.Đà Nẵng, lân la tìm hiểu về thị trường rau rừng.

Nào ngờ, “vòng gửi xe” này đem lại kết quả khởi đầu đầy thuận lợi. Bó rau rừng mà anh mang theo giới thiệu nhận được những cái “gật đầu” nồng nhiệt. Dù vậy, anh vẫn nghĩ mình chỉ đang làm “chơi”, tới đâu tính tới đó, mà “làm chơi” làm gì có chuyện “ăn thật”.

“Không ngờ, làm chơi mà ăn thật. Từ nhu cầu vài cân tăng “dần đều” lên vài chục cân, vài tạ... Và giờ thì mấy cũng không đủ và có quá nhiều người gọi điện đặt hàng”, anh Tây hào hứng kể.

Thấy tình thế mua đi bán lại kiếm lời về lâu dài có vẻ “không ổn”. Nguyễn Phước Tây thay đổi “chiến lược” kinh doanh rau rừng. Kết hợp các chuyến đi thiện nguyện, anh đặt vấn đề thuê đất của bà con ở huyện miền núi Nam Trà My để mở các vườn rau.

Cũng như các ngành nghề kinh doanh khác, lúc mới vào nghề, không ít lần anh Tây bị khách hàng “bom” rau (nghĩa là không nhận rau - PV). Những lúc như thế, anh lại nhận được tình thương của các nhà hảo tâm. Mỗi người một ít, chung tay “giải cứu” rau rừng của Tây.

Ban đầu, anh phải tự mình hái rau rồi chở xuống phố bán. Còn giờ, công việc này đã “chạy” như một “dây chuyền sản xuất khép kín”. Rau đến độ thu hoạch có người cắt. Rau cắt xong có người vận chuyển xuống phố. Rau về phố có người phân phối đến tận nhà hàng, quán xá, chợ búa…

Con số vườn trồng đã lên đến 2ha ở xã Trà Tập. Nguyễn Phước Tây đang tính toán mở thêm 1,5ha nữa từ các vườn đồi bà con không sản xuất.

Đa số thực phẩm có nguồn gốc dân dã từ miền núi, đều được người dân thành phố đón nhận, chuộng dùng. Vì thế, ngoài kinh doanh rau rừng, anh còn bán các sản phẩm đi kèm có xuất xứ từ vùng cao như mật ong rừng, chuối rừng, măng rừng… “Có người bảo tôi nắm bắt được xu hướng của xã hội là dùng các sản phẩm sạch. Quyết định đầu tư, kinh doanh rau rừng là “gãi đúng chỗ ngứa” của người dân thị thành”, anh Tây chia sẻ.

Một câu chuyện khởi nghiệp bắt đầu từ những chuyến hành trình, đã dần thấy quả ngọt. Thiện nguyện với Tây, không chỉ là bắt đầu cho cơ duyên gắn bó với núi rừng. Trong những gùi rau xuống phố, có câu chuyện của những sẻ chia. Tây nói, trong các hoạt động anh tổ chức thường xuyên cho trẻ em, có lợi nhuận trích từ tiền bán rau rừng.

VĨ CẦM