Cuộc sống thường ngày

Trà đá, bánh mì miễn phí...

LÊ QUÂN 29/04/2024 09:30

Hình ảnh tủ bánh mì 0 đồng và những bình trà đá, nước mát miễn phí đặt trên các vệ đường đang từng ngày quen thuộc với người dân thành phố.

436252840_4449540628604998_6771174838782979311_n.jpg
Một quán cafe tại Tam Kỳ tặng bánh mì 0 đồng. Ảnh: T.V

Những hành động dễ thương này đã lan tỏa mạnh mẽ, nhất là khi mùa hè nắng như nung bắt đầu.

Tôi chú ý đến những tin tức trôi qua hằng ngày ở thành phố mình ở, bất chợt dừng lại ở một dòng tin nhỏ - từ trang cá nhân quán cafe quen. “Bánh mì từ tâm, bánh mì 0 đồng và sữa đậu xanh miễn phí. Nhờ mọi người lan tỏa thông tin”. Hay ở một góc đường trước quán ăn quen: “Tặng 100 ổ bánh mì miễn phí vào các sáng 2,4,6 hằng tuần...”.

Dọc các tuyến phố chói chang nắng gắt, những bình nước chỉ có dòng chữ nghĩa tình nhẹ nhàng: “Nước uống miễn phí. Xin mời bà con!”, hay “Trà đá miễn phí”. Thậm chí đơn giản hơn, chỉ là bình nước đầy ắp, không dán dòng chữ nào, đặt ngay ngắn sát đường để người qua lại có thể dừng bước, dịu cơn khát giữa ngày nóng.

“Bộ người ta dư dả lắm hay sao mà tặng nước miễn phí, đồ ăn miễn phí?” - cậu con trai tôi hỏi. Tôi nói với con mình, đó là việc làm tử tế, là sẻ chia với những người khó hơn mình.

Sống ở phố, cha mẹ dạy con phải cẩn trọng với từng người lạ, từng hành động đôi khi được gọi là tốt của người đi đường. Nhưng thật khó để lý giải cho con, hành động chia sẻ và tử tế này của cư dân thành phố, mang một tầng nghĩa khác. Là san sớt đó nhưng lại không phải một hành động thiện nguyện. Nó giống một điều tử tế mà những người sống cùng thành phố muốn chia sẻ.

Không phải ai cũng làm được điều lớn lao, nhưng ai cũng có thể bắt đầu sống tử tế, từ những người điều bình dị nhất. Như một cái cây trên đường, bóng mát dành cho tất cả ai đang đi dưới trời nắng gắt. Ở phố, có những điều tử tế diễn ra hằng ngày, như chuyện bạn thanh niên dừng xe xin đường cho một đoàn người khiếm thị; như chuyện những bội cam giải cứu nhanh chóng được mua hết ở góc phố nọ.

Nhưng ở phố, cũng có những điều tưởng rất nhỏ lại khiến mỗi người phải nghĩ suy. Bạn tôi kể bữa nọ, quán mà gia đình hay ăn sáng hết chỗ đậu xe. Bạn dừng xe kề sát đoạn lên xuống của một ngôi nhà. Sau khi dùng bữa xong, mở cửa xe thì cậu con trai phát hiện có một vệt xước dài ngay đầu xe. Không khó hình dung lý do, nhưng cũng quá khó khăn để trả lời cho trẻ con về vết xước vừa tức thì.

Nhiều nghiên cứu xã hội học về đô thị thường thức cho rằng người sống ở các thành phố lớn dễ tức giận, stress hơn người ở nông thôn. Có lẽ vì không gian phố thị bị choáng ngợp bởi bê tông và những con phố chật chội người - xe, thường xuyên gặp những xung đột. Có lẽ vì luôn phải sống trong tình trạng cảnh giác, nên “không gian an toàn” của người ở thành phố càng ngày càng bị thu hẹp. Nên đôi khi, trend “chữa lành” của người trẻ, bắt đầu từ nhiều hơn những người sống ở thành phố.

Để thấy một bình trà đá, một tủ bánh mì miễn phí... mang ý nghĩa nhiều hơn một sự cho đi.

LÊ QUÂN