Văn học - Nghệ thuật

"Hoa phong lan" trên đường Hồ Chí Minh

TÂY BÌNH - TÂM THƯ 30/04/2024 09:50

Tham gia hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), các tác phẩm nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa Quảng Nam dàn dựng để lại dấu ấn sâu sắc và đầy cảm xúc.

hoaphonglan-anh.jpg
Đoàn Quảng Nam trình diễn tiết mục “Đường hoa phong lan”. Ảnh: P.V

Dàn dựng công phu

Từ ngày 19 - 27/4, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở VH&TT, Sở VH-TT&DL các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Bình Dương tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Hội thi có sự tham gia của 23 đội tuyên truyền lưu động thuộc trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - điện ảnh, trung tâm văn hóa - nghệ thuật các tỉnh thành trên cả nước với chủ đề “Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại”.

Đây là dịp tuyên truyền sâu rộng về lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời tôn vinh công lao và cống hiến to lớn của bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam thông tin tham gia hội diễn lần này, đoàn Quảng Nam có 5 tiết mục. Bao gồm: hát múa “Đường hoa phong lan” (sáng tác Lê Huân - Trúc Lam); đơn ca nam “Hương rừng Quảng Nam” (sáng tác Vũ Đức Sao Biển); múa độc lập “Hồi ức Bến Giằng” (biên đạo Ngọc Trâm); tốp ca nam “Miền Trung hành khúc ca” (sáng tác Tạ Thắng); song ca “Quảng Nam Việt Nam” (sáng tác Mạnh Tiến).

“Sau hơn một tháng xây dựng chương trình và tập luyện công phu, đoàn hoàn thành 5 tiết mục để tham gia hội thi. Bên cạnh nội dung chính ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân cho độc lập dân tộc, đoàn cũng xây dựng các tiết mục mang dấu ấn đất và người xứ Quảng trong kháng chiến. Đó là tiết mục “Hồi ức Bến Giằng” và “Đường hoa phong lan”.

Với “Hồi ức Bến Giằng”, thông qua ngôn ngữ hình thể và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khắc họa hình ảnh bộ đội kiên cường mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đường bị giặc ném bom cày xới tới đâu, lập tức bộ đội không quản hiểm nguy vá đường tới đó…” - bà Hương chia sẻ.

Còn mãi “Đường hoa phong lan”

Trong 5 tiết mục dự thi lần này, “Đường hoa phong lan” của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Huân và nhạc sĩ Trúc Lam sáng tác gắn với ký ức về một thời hoa lửa hào hùng.

NSND Lê Huân kể, cuối năm 1968, ông cùng bộ đội thuộc Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ hành quân vào chiến trường Quảng Nam. Chứng kiến hình ảnh bộ đội hành quân dưới con đường rực rỡ hoa phong lan trên vùng núi phía tây xứ Quảng để lại cảm xúc mãnh liệt.

Trong những tàn khốc của chiến tranh khi đồng đội hy sinh, những nhánh lan rừng vẫn nở, như niềm tin, hy vọng về ngày toàn thắng: “Đường Trường Sơn năm xưa mịt mờ trong khói bom/ Bao dốc đèo cheo leo, vực sâu lầy lội/ Tuổi thanh xuân em trong gian lao, đi mở đường cho xe anh đến tiền phương/ Đường hoa phong lan che mắt quân thù/ Em dệt con đường như tấm lụa Cơ Tu cho anh hành quân vào chiến trường tiếp lửa/ Đường hoa phong lan con đường Trường Sơn/ Nay con đường thênh thang giữa núi rừng đón bạn bè từ khắp năm châu”…

“Bây giờ tôi đã 80 tuổi, có 65 năm hoạt động nghệ thuật. Thế nhưng suốt quãng đường sáng tạo, với tôi, con đường hoa phong lan năm ấy là hình tượng nghệ thuật đẹp nhất, không gì có thể thay thế.

Bởi chính bản thân tôi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt trên chiến trường Quảng Nam từ cuối 1968 - 1970; chứng kiến đồng đội nằm lại nơi đất mẹ, lồng ghép vào đó là hình ảnh hùng vĩ của núi rừng cứ đeo bám ký ức. Khi trao đổi với biên đạo múa “Đường hoa phong lan”, tôi có nhắn nhủ phải làm sao dựng cho ra hình ảnh những cô gái Cơ Tu cầm nhành lan đan kết nhau thành một con đường hoa che bóng cho bộ đội hành quân, như trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.

Bật lên được sự gắn kết quân dân ấy mới thấy hết tình cảm của đồng bào vùng cao dành cho bộ đội trong kháng chiến. Đây cũng là hình ảnh hào hùng và đầy lãng mạn, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem” - NSND Lê Huân chia sẻ.

TÂY BÌNH - TÂM THƯ