"Khi xa quê nhớ về những tên làng"
Ở tuổi 70, nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy vừa xuất bản tập thơ Nín thở (NXB Đà Nẵng). Đây là tập thơ thứ hai của anh, sau tập Hoa tim (NXB Trẻ, 1997).
Nguyễn Hữu Thụy sinh năm 1954 tại Quảng Nam, từ khi còn học cấp 2 (1965 - 1969) ở Trường Trung học công lập Đông Giang, Đà Nẵng, đã được thầy giáo “xúi” làm thơ.
Cùng sự khuyến khích từ người cậu ruột - nhà thơ Thành Tôn, vẫn thường góp ý cho thơ anh, Nguyễn Hữu Thụy nói nhờ vào những cơ duyên đó, nhờ tố chất vùng miền và lịch sử bản thân, anh tiếp tục làm thơ đến hôm nay. “Tuy làm không thật nhiều, chỉ đủ in 3 - 4 tập mà thôi. Tôi không tham gia hội đoàn nào, đôi khi cũng cảm thấy bơ vơ, cô độc trên con đường đến với thơ văn”.
Trong bài thơ “Thư về trường cũ”, anh viết: “Phước ba đời - ta nhờ chút ơn trên/ Sống sót đến giờ làm thơ uống rượu/ Giữ nguyên họ tên đi cùng tứ xứ/ Thật lòng mình vì yêu chữ tự do”.
Trong bài “Nhớ quê”, có đoạn: “Ta đã bỏ quê đi biền biệt/ Máu và nước mắt chảy ngàn xuôi/ Sông Thu ngầu đục dòng nước xiết/ Thơ đẫm trầm luân những phận người”…
Tinh thần chung của cả tập “Nín thở”, là những tự vấn của một người làm thơ bị bứng rễ khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, đau đáu những câu hỏi về quê hương, về thế sự, về thơ ca và về cả sự tồn tại của chính mình.
Hỏi Nguyễn Hữu Thụy vì sao anh không bỏ thơ được, dù có lúc quá bận rộn hoặc nản lòng? Anh cho biết: “Có một thời gian rất bi quan, tôi không có cảm hứng làm thơ nữa, nhưng cũng rất may đó là chỉ là một khoảng lặng ngắn hạn, một cơn tai biến nhẹ của thi ca. Tôi đã phục hồi công lực để bước đến ngày hôm nay, dù chưa tới đích.
Nhờ vào thơ, tôi đã nói lên được tâm tư, tình cảm trước thời cuộc, biết đâu sẽ có người đồng cảm và ghi nhận. Vì vậy, dù bận cơm áo gạo tiền, dù đứng trước những tình đời văn nghệ bát nháo, trước những nàng thơ quá lứa xuân thì, tôi vẫn âm thầm lấy thơ mình làm niềm vui cho cuộc sống”.
Rời xứ Quảng vào Sài Gòn, định cư ở gần khu “tiểu Quảng Nam” Bảy Hiền, Nguyễn Hữu Thụy có gần 30 năm lăn lộn ở chợ bà Hoa, chợ Tân Bình. Có khi vài ba tháng anh mới được ngồi riêng với những người bạn thơ văn, có dịp trút nỗi lòng cùng con chữ.
Anh viết: “Khi mơ mộng cợt đùa cùng chữ nghĩa/ Câu thơ hay không cứu kẻ đói lòng/ Hạt chà là, sim nửa trái chẳng mong/ Quẳng bút xó nhà ra tay phụ vợ”.
Với Nguyễn Hữu Thụy, thơ chỉ có chỗ đứng trong góc khuất của lòng mình, trong những tâm hồn yêu mến văn chương, trong sự tương cảm của những người đồng điệu...
Anh chia sẻ: “Tôi không bỏ được thơ, vì thơ là một phần đời sống, là máu thịt trót lậm vào người; đôi khi có những bài thơ rất buồn, nhưng nếu ngậm tăm không làm thơ nữa, thì càng buồn hơn. Nghiệp dĩ làm thơ họa phúc khó lường/ Kẻ cố ý tránh xa người thêm phần mến mộ/ Dứt áo không đành dính dây dính nhợ/ Mỗi tế bào thơ quặn nở ra thơ”.
Trong bài “Cho mai sau”, từng in trong tuyển tập “Trăm năm thơ đất Quảng”, có đoạn: “Vàng sẽ là vàng/ Thau sẽ là thau/ Quyền tối thượng chỉ dành cho độc giả/ Và thời gian sẽ giũa mài tất cả/ Những râu ria sơn phết màu thơ”.
Hỏi anh có mong muốn hoặc nhu cầu gì về thơ trong tương lai? Nguyễn Hữu Thụy chia sẻ: “Không ai bắt buộc mình phải làm thơ. Là tự mình muốn rước cái khó cho mình, tôi xem đó như một cái thú đau thương: ngọt ngào và thống khổ! Và làm thơ là một nhu cầu tự thân của sự tự do.
Dù yêu chuộng và trung thành với thể thơ truyền thống, nhưng qua những chiêm nghiệm được, mình sẽ tìm ra những tứ thơ không sáo mòn và trùng lặp. Tôi mong rằng mình còn đủ tinh thần sáng suốt để viết tiếp, để in 1 - 2 tập thơ nữa”.